(GLO)- Sáng 20-3, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020.
Hội nghị đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời đề ra giải pháp và mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT. Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra thì rất cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành từ trung ương đến địa phương. Tại Gia Lai, nhằm thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 21 đề ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ hết sức quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia.
Lực lượng lao động tham gia BHXH, BHYT thấp
Năm 2012 cả nước có 10,43 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 2,97 lần so với năm 1997; có 139.643 người tham gia BHXH tự nguyện; 8,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và 59,31 triệu người tham gia BHYT.
Quỹ BHXH tự nguyện có số dư là 984,8 tỷ đồng; quỹ BHTN có số dư trên 24.029 tỷ đồng; quỹ BHXH bắt buộc trên 197.315 tỷ đồng; Quỹ BHYT sau khi đã cân đối bù đắp phần chi của những năm trước chuyển sang, đến hết năm 2012 có kết dư khoảng 12.891 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác BHXH, BHYT còn một số hạn chế như: Việc phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo hiểm ở một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa sâu rộng, có nơi còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương nên hiệu quả còn thấp. Số người tham gia BHXH mới đạt 20% lực lượng lao động; tham gia BHXH bắt buộc mới đạt khoảng 78%, thấp hơn nhiều so với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Số người tham gia BHYT cũng chỉ đạt 67% dân số. Đặc biệt là tỷ lệ tham gia nhóm đóng BHYT tự nguyện rất thấp, mới đạt trên 20%, trong đó đa số là những người mắc bệnh mãn tính, bị bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, vấn đề mất cân đối Quỹ hưu trí, tử tuất dự báo từ năm 2024 trở đi sẽ mất cân đối thu chi; quỹ BHYT luôn tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt; tình trạng lạm dụng quỹ thất nghiệp diễn ra khá phổ biến. Đáng báo động hơn là tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, năm 2012 số nợ BHXH là 4.639 tỷ đồng, bằng 6,26% số phải thu, trong đó có trên 100 tỷ đồng thuộc diện khó đòi…
Ảnh: Như Ý |
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Nhằm mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, Nghị quyết 21 đưa ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% tham gia BHTN; trên 80% dân số tham gia BHYT; bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn, quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT; xây dựng hệ thống bảo hiểm hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết 21 đề ra, ông Thới Văn Đạo-Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết: “Gia Lai là một tỉnh nghèo, số người tham gia BHXH còn thấp so với mặt bằng chung trong cả nước. Số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 9%; tham gia BHYT là 71,4%; BHTN chỉ đạt trên 10 %. Vì vậy, để thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết 21 đề ra thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải hết sức quan tâm, chỉ đạo các ban ngành cùng tham gia đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia.
Đồng thời các cơ quan như Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm Xã hội để cùng tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết nhằm đưa các chỉ tiêu của Nghị quyết 21 vào trong các chỉ tiêu của tỉnh để triển khai thực hiện”. Ông Đạo cho biết thêm: “Về phía cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ chủ động đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH, BHYT đến với đông đảo người lao động và nhân dân trong tỉnh; đẩy mạnh việc phát triển đối tượng, chống thất thu, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động để kiểm tra số lượng người lao động tham gia BHXH, BHYT. Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đẩy mạnh hoạt động công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý của ngành”.
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội. Do đó, cần mở rộng và hoàn thiện chế độ chính sách BHXH, BHYT có bước đi, có lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của nhân dân, tạo thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định.
Để thực hiện tốt các chế độ chính sách BHXH, BHYT thì cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Minh Triều