Cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong nhiều cuộc họp gần đây, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt các sở ngành, địa phương nghiêm túc, khẩn trương thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Chưa đồng hành cùng doanh nghiệp?

Gần đây nhất, tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) , Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện khâu đột phá trong việc đẩy nhanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh góp phần đưa Gia Lai phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đề nghị các sở ngành rà soát lại các quy định, chính sách liên quan đến việc thu hút đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện và động lực để các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư vào Gia Lai.

 

Dự cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị kiểm điểm, cách chức Ban quản lý dự án yếu kém, chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Ảnh: M.N
Dự cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị kiểm điểm, cách chức Ban quản lý dự án yếu kém, chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Ảnh: M.N

Trong một cuộc họp khác, người đứng đầu tỉnh Gia Lai cũng luôn trăn trở với câu hỏi “Vì sao các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh chưa mặn mà đầu tư vào Gia Lai? Tại sao các tỉnh như Lai Châu, Hà Giang quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh họ rất nhiều trên truyền hình, hệ thống các trang mạng, riêng Gia Lai thì chẳng thấy quảng bá gì, ai biết mà vào, ai biết mà đầu tư?”. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chậm rãi kể lại một thực tế buồn mà chính bản thân ông vừa trải nghiệm trong 1 lần công tác tại TP. Hà Nội: “Khi nghỉ ở khách sạn Mường Thanh, tôi chủ động xin số điện thoại của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh để giới thiệu, mời ông này vào Gia Lai khảo sát tình hình để đầu tư. Ông này hỏi lại, Gia Lai thuộc chỗ nào, có thành phố nào, gần tỉnh gì? Không biết ông này hỏi thật hay đùa nhưng tôi thấy rất xót xa”.

So sánh bức tranh kinh tế Gia Lai với các tỉnh bạn, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đánh giá: Toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 79%, doanh nghiệp nhỏ 12%, doanh nghiệp lớn và vừa chỉ 9%. Ngoài ra, Khu công nghiệp Trà Đa có 44 dự án, nhưng đến nay chỉ có 31 dự án đi vào hoạt động, còn 13 dự án “treo” từ nhiều năm nay mà chưa có động thái đầu tư gì. Đa phần các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp này chỉ hoạt động cầm chừng. Bí thư Tỉnh ủy tiếp tục đặt câu hỏi: “Khu Công nghiệp của tỉnh còn như thế thì cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện thì ra sao?”. Hay việc doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đến khảo sát xin đầu tư Siêu thị Co.op Mart ở huyện Chư Sê nhưng đến nay đã 2 năm nhưng vẫn chưa nhận được đất. “Cần xem lại cái nghẽn là do đâu, đã cải cách hành chính chưa, đã đồng hành, vì dân, vì doanh nghiệp chưa”- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nêu câu hỏi.  

Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, một nghịch lý hiện nay là, Gia Lai toàn những dự án đầu tư nhỏ nhưng không giải ngân vốn được, trong khi các tỉnh và thành phố khác như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... toàn những siêu dự án lớn nhưng lại làm được. Chính vì vậy mà trong cuộc họp với các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “khen” rằng: “Có tiền nhưng không biết tiêu”.

Quyết liệt triển khai

Trong khi đó, nói đến công tác cải cách hành chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Năm 2016 được tỉnh chọn là năm thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ “về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Nhiều sở ngành, địa phương triển khai rất tốt cơ chế một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian phục vụ cho người dân. Đáng chú ý, trước đây, với thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp phải chờ trên 10 ngày thì hiện tại quy trình này được thực hiện gói gọn chưa đến 3 ngày. Hay việc cấp giấy phép lái xe của Sở Giao Thông-Vận tải nay rút xuống chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Hiện nay quy trình tiếp nhận hồ sơ có liên quan đến người dân và doanh nghiệp đều qua cơ chế 1 cửa và 1 cửa liên thông. “Qua hệ thống có thể biết hồ sơ đi đến đâu, chậm trễ ở khâu nào, chỉ cần nhấp chuột là kiểm tra được ngay”- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết. Ngoài ra, UBND tỉnh còn phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức gặp mặt doanh nghiệp hàng năm nhằm đối thoại, tháo gỡ khó khăn; mới đây nhất là thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp Gia Lai, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phát triển.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành hiện vẫn còn một số ngành, lĩnh vực có cán bộ nhũng nhiễu, UBND tỉnh đã nhắc nhở, điều chuyển số cán bộ này, xử lý đối với hành vi nhũng nhiễu. Do vậy, các địa phương cần theo dõi, giám sát, nếu phát hiện tình trạng tiêu cực này thì thông tin lại cho UBND tỉnh để loại bỏ những phần tử cản trở sự phát triển của tỉnh.

Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ “về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Hiện Sở cũng đã đẩy nhanh triển khai điều chỉnh, xác định giá đất để thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, xác định giá trị các doanh nghiệp… “Tùy theo mỗi loại hình doanh nghiệp có những khó khăn, thuận lợi khác nhau, do vậy các ngành, các cấp phải cùng với doanh nghiệp tháo gỡ để triển khai thực hiện tốt chính sách này”- ông Dũng cho biết.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.