Cần ngay gói giải pháp nào để cứu nền kinh tế?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các gói hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp như giãn, hoãn nộp thuế... đã đến hạn kết thúc. Cần làm gì tiếp theo để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo đòn bẩy mới cho nền kinh tế?

Dịch Covid-19 bùng phát đã kéo theo một đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xóa tan thành quả hàng chục năm của nhiều nền kinh tế.  Rất nhiều quốc gia sẽ phải mất nhiều năm mới gượng dậy được. Ở Việt Nam, sau thời gian lắng xuống, dịch bùng phát trở lại đúng vào dịp áp Tết đã khiến nông dân Hải Dương, Hà Nội và nhiều địa phương khác trở nên điêu đứng. Khắp các diễn đàn mạng xã hội, các đường phố của nhiều địa phương mọc lên rất nhiều điểm "giải cứu nông sản", thế nhưng việc "giải cứu" nông sản cho các địa phương này lại dẫn đến sự khủng hoảng thừa cho chính nông sản bản địa.

Ngay tại Thủ đô, khi người dân hô hào giải cứu rau cho Hải Dương thì cũng là lúc nông sản của các huyện ngoại thành Hà Nội trở nên ế ẩm. Trên các trang báo liên tục xuất hiện những hình ảnh đau lòng: Hàng xe tải ngô, cải bắp, cà chua, hành lá, cà rốt... bị người dân Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm... đổ xuống sông vì bán chả ai mua. Đi kèm với hình ảnh là những clip trần tình của những người nông dân với nỗi lo thất bát, nợ nần...

Dù đã có vaccine nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn  chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng vạn người nông dân  trồng đào, quất, cây cảnh, rau màu vừa qua đón Tết không vui. Nhiều ngành, lĩnh vực đều gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ngành du lịch, vận tải. Tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp của Tổng cục Thống kê công bố thì một số ngành có chỉ số sản xuất năm 2020 giảm mạnh như: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 33,5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 9,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 9,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,7%; sản xuất đồ uống giảm 5,2%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 5,2%;

 Một số ngành có chỉ số tồn kho ước tính tại thời điểm 30/12/2020 tăng cao so với cùng thời điểm năm trước như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 231,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 143,9%; sản xuất kim loại tăng 126%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 79,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 56,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 44,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 37,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 37%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 35,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 27%; sản xuất trang phục tăng 24,3%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2020 ở mức khá cao với 71,9% (năm 2019 là 68,8%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt 119,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 110,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 97,3%; sản xuất chế biến thực phẩm 94,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 88,7%; sản xuất thiết bị điện 87,9%.

Tình hình 2 tháng đầu năm 2021, vẫn có những dấu hiệu khó khăn. Tính đến 28/2/2021 đã có thêm 33.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, số lượng các DN tạm ngừng kinh doanh tăng ở tất cả 17 lĩnh vực.

Dịch bệnh đã gây ra đứt gãy thương mại quốc tế, tạo  hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nếu tình trạng này không được khống chế chắc chắn sẽ  khiến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng lên kéo theo những  hệ lụy khó lường về vấn đề về an sinh xã hội. Chúng ta chỉ có thể hô hào "giải cứu" nông sản dựa trên tình thương và lòng trắc ẩn của con người nhưng đối với những ngành sản xuất khác thì điều đó là không thể mà đòi hỏi những chính sách từ nhà nước.

Bài học từ năm 2020 đã cho thấy, để giải quyết vấn đề sản xuất kinh doanh,  thúc đẩy sản xuất thì bên cạnh các giải pháp về y tế để khoanh vùng, dập dịch thì phải dùng chính giải pháp về kinh tế. Các gói hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân như  giãn, hoãn nộp các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,  tiền thuê đất của doanh nghiệp; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.... đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Bản chất của cơ chế giãn, hoãn nộp thuế có tính chất là khoản cho vay không tính lãi của nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai,  phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất nhập khẩu từ đó tăng mức đóng góp cho ngân sách nhà nước mà không dẫn đến phải điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước.

Chính sách này vừa có lợi cho doanh nghiệp, cá nhân nhưng rất có lợi cho nhà nước vì nuôi dưỡng được nguồn thu. Năm 2020, đã có 184.900 lượt người nộp thuế  được thụ hưởng chính sách này với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã gia hạn khoảng hơn 100 nghìn tỉ đồng.

Tuy nhiên đến thời điểm này, niên hạn các gói giải pháp như vậy đã kết thúc. Điều cần làm ngay lúc này là Chính phủ, các bộ, ngành phải tiếp tục ứng phó kịp thời với tình hình mới của dịch bệnh. Tiếp tục kéo dài các gói giải pháp về thuế, khoanh nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, cá nhân.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu các chính sách kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định định sản xuất.  Phải có các đòn bẩy kinh tế như vậy mới duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 như đã đề ra.

https://danviet.vn/can-ngay-goi-giai-phap-nao-de-cuu-nen-kinh-te-20210324124928616.htm
 

Theo Ngô Chí Tùng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.