(GLO)- Trong thời gian qua, bên cạnh những thành quả đạt được, ngành Giáo dục-Đào tạo Gia Lai vẫn còn phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn, thách thức.
Trong một tiết học. |
Đối với giáo dục mầm non thì áp lực lớn nhất là huy động trẻ tới trường. Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra chỉ tiêu 86% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo phải được tới trường. Thời gian qua, ngành Giáo dục-Đào tạo đã sử dụng tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có, cùng với sự đóng góp một phần từ xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ này mới đạt 80%. Trong thời gian tới, để đạt được chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh là thách thức lớn đối với ngành.
Với thực trạng hiện có, ngành sẽ phải dựa chủ yếu vào công tác xã hội hóa giáo dục, tuy nhiên đa số trẻ chưa đến lớp tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn-nơi mà xã hội hóa giáo dục là điều quá khó, cũng có thể nói là không thể.
Đối với giáo dục tiểu học, để đảm bảo chất lượng, trang bị đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng cho trẻ tiếp cận chương trình trung học thì trẻ phải được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện tại không đáp ứng, đó là lực cản chưa thể vượt qua đối với ngành trong việc triển khai nội dung này. Vì vậy, chất lượng của giáo dục tiểu học chưa cao là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đảm bảo và duy trì sĩ số học sinh ở bậc trung học.
Đối với các bậc học này, số lượng giáo viên/lớp là rõ ràng, không dễ để tăng giờ như các bậc học khác. Vì vậy, theo chúng tôi, trong thời gian tới, tỉnh cần đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, mở rộng quy mô trường lớp, có cơ chế để phân bổ đủ số lượng giáo viên đứng lớp, nhằm đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày đối với giáo dục tiểu học, huy động đủ 86% học sinh trong độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) đến trường. Mặt khác, việc bổ sung số lượng giáo viên còn để bù đắp số lượng giáo viên nghỉ hưu hàng năm ước tính khoảng 200 người trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối với giáo dục trung học, việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS là một thách thức, là bài toán chưa có lời giải. Chỉ tiêu đặt ra cho ngành là định hướng cho 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề ở các trường cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các nghề được đào tạo từ các cơ sở này chưa phong phú, đa dạng, chất lượng và cơ cấu đào tạo chưa đáp ứng kịp nhu cầu xã hội nên vấn đề đầu ra của học sinh sau đào tạo còn nhiều bất cập, phần nhiều chưa được xã hội tiếp nhận.
Để làm tốt công tác phân luồng học sinh, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư có định hướng, có lộ trình cơ cấu và chất lượng đào tạo nghề đáp ứng với thực tiễn của tỉnh nhà. Trước mắt, cần tạo điều kiện để số lượng học sinh này tiếp tục hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông.
Việc phấn đấu đạt được các chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh là nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh, trong đó ngành Giáo dục-Đào tạo là chủ đạo, là nhạc trưởng. Với nhận thức đó, ngành Giáo dục-Đào tạo mong muốn nhận được sự đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, kinh phí, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành trong tỉnh.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà