(GLO)- Theo số liệu thống kê, hiện nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 2.390 cán bộ chuyên trách cấp xã, trong đó, cán bộ là nam chiếm 80,2% và nữ chiếm tỷ lệ 19,8%, cán bộ là người dân tộc thiểu số là 41%, có 97% cán bộ là đảng viên.
Về trình độ học vấn, tỷ lệ cán bộ có trình độ tiểu học là 4,6%, cán bộ có trình độ THCS là 37% và 59% có trình độ THPT. Về trình độ chuyên môn, chưa qua đào tạo chiếm 43%, sơ cấp 6,4%, trung cấp 36%, cao đẳng 1,1%, đại học 14%, sau đại học 0,13%. Về trình độ chính trị, 14% cán bộ chưa qua đào tạo, 28% cán bộ có trình độ sơ cấp chính trị, 53% cán bộ có trình độ trung cấp và 5,7% có trình độ cao cấp.
Ảnh minh họa |
Có thể nói phần lớn đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã bước đầu đáp ứng yêu cầu về trình độ học vấn, nghề nghiệp và chính trị. Công tác đánh giá cán bộ cũng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay, những quan hệ xã hội-chính trị-kinh tế trở nên hết sức phức tạp và tăng lên gấp bội so với các giai đoạn trước đây. Sự tác động đó đã làm thay đổi sâu sắc hệ thống quan hệ xã hội cũng như ý thức xã hội. Đặc biệt, các thế lực thù địch dùng chiến lược “Diễn biến hòa bình” tập trung đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào cương lĩnh, đường lối, vào nguyên tắc tổ chức của Đảng, vào đảng viên và đặc biệt là vào đội ngũ cán bộ chủ chốt tại cơ sở, kích động chia rẽ Đảng với Nhà nước, với lực lượng vũ trang và nhân dân. Các biểu hiện về thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên (nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở) cũng ngày càng làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Thực tế ấy đòi hỏi, cấp ủy và chính quyền cần tập trung những giải pháp hiệu quả vào công tác quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ chủ chốt tại cơ sở. Một trong những giải pháp đó là tiếp tục thực hiện tốt khâu đánh giá, lựa chọn để phát hiện và sử dụng đội ngũ cán bộ này có hiệu quả vào công cuộc đổi mới hệ thống chính trị ở tỉnh nhà. Để nâng cao hiệu quả của khâu đánh giá cán bộ trên địa bàn tỉnh ta cần tập trung vào một số giải pháp then chốt. Trước hết là phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả trong khâu đánh giá, để lựa chọn đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở đáp ứng với tiêu chuẩn chức danh và nhiệm vụ đảm nhận. Việc đánh giá cán bộ cơ sở cần căn cứ vào những tiêu chuẩn chung (theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII) và những tiêu chuẩn cụ thể áp dụng đối với cán bộ cấp cơ sở. Việc dựa vào tiêu chuẩn cũng hài hòa giữa trình độ cá nhân với khả năng làm việc, hiệu quả hoạt động thực tế của cán bộ.
Quá trình đánh giá cán bộ chủ chốt ở cơ sở cần đảm bảo đúng quy trình, thực hiện dân chủ rộng rãi. Do đó, bên cạnh ý kiến nhận xét của cán bộ lãnh đạo, quản lý, của cơ quan tham mưu, còn phải coi trọng ý kiến của tập thể cán bộ và ý kiến của đông đảo quần chúng. Mở rộng tính dân chủ rộng rãi còn là phương pháp đánh giá cán bộ xác thực, hiệu quả, tăng lòng tin của quần chúng đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt. Đánh giá cán bộ chủ chốt cơ sở cần nhất quyết đảm bảo nguyên tắc khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Cuối cùng là cần mạnh dạn áp dụng những giải pháp trong đánh giá sử dụng cán bộ gắn với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Lê Thị Tình