(GLO)- Được đầu tư với nguồn vốn lớn nhưng hiệu quả sử dụng của một số công trình nước sạch chưa cao, trong khi người dân lại thiếu nước sinh hoạt.
Bài 2: Chưa tương xứng giữa đầu tư và hiệu quả
75% công trình hoạt động không bền vững
Theo kết quả công bố Bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2011, toàn tỉnh có 240 công trình cấp nước tập trung thì chỉ có 60 công trình hoạt động bền vững (chiếm 25%), còn 180 công trình hoạt động không bền vững. Các công trình nước sạch này chưa có ai quản lý, không quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể. Trong khi đó ý thức bảo quản của người dân còn thấp. Nhiều nơi còn quan niệm đây là các công trình của Nhà nước cho nên không bảo quản gìn giữ.
Ảnh: Anh Khoa |
Hiện nay, việc duy trì, quản lý các công trình nước sạch còn nhiều bất cập, chưa quy định cụ thể cấp ngành nào chịu trách nhiệm và chủ yếu dựa trên sự tự giác của người dân nên các công trình xuống cấp nhanh chóng và không đạt hiệu quả. Nguyên nhân là một số công trình thành lập tổ quản lý, vận hành sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa có sự thống nhất. Có công trình giao cho xã quản lý, có công trình giao cho thôn, làng quản lý.
Một số công trình cấp nước tập trung bơm dẫn bằng giếng khoan sâu thuộc Chương trình 134, 135 đầu tư chưa đồng bộ, chỉ xây dựng giếng khoan, đài nước nhưng không có hệ thống ống cấp nước đến hộ gia đình nên người sử dụng vẫn không được hưởng lợi. Trong khâu khảo sát thiết kế, lập dự án, báo cáo đầu tư, có công trình làm chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất, nguồn nước nên chất lượng nước không đảm bảo. Trách nhiệm của người dân hưởng lợi chưa được cam kết rõ ràng trong quá trình đầu tư và xây dựng.
Về vấn đề này, ông Kpa Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thẳng thắn thừa nhận: Công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp chưa kịp thời và phù hợp với thực tế do năng lực của cán bộ chuyên môn yếu làm cho các công trình xây xong đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã bị hư hỏng. Công trình nước sạch hiện nay hư hỏng rất nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân khá lớn.
Để làm rõ vấn đề này, ông Hồ Văn Diện-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa nói: Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư trong việc khảo sát xây dựng công trình còn hạn chế. Chủ đầu tư làm việc trực tiếp với chính quyền xã, tiến hành xây dựng rồi bàn giao cho nhân dân sử dụng.
Một số tiêu chí đạt quá thấp
Ngày 16-11-2011, UBND tỉnh có Quyết định số 715/QĐ-UBND công bố Bộ chỉ số theo dõi-đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh năm 2010. Đây là bộ tiêu chí mới nhất đánh giá thực trạng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để phân tích, đánh giá và có biện pháp đầu tư và định hướng chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 đúng với tình hình thực tế của tỉnh.
Ảnh: Anh Khoa |
Với những tiêu chí này, đánh giá của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho thấy tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 73,53%, trong đó 27,23% số dân nông thôn được cấp nước đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế; 32,3% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; 82,6% số trường học được cấp nước và có nhà tiêu hợp vệ sinh; 91,92% trạm y tế được cấp nước và có nhà tiêu hợp vệ sinh; 91,41% trụ sở xã được cấp nước và có nhà tiêu hợp vệ sinh; 63,27% chợ nông thôn được cấp nước và có nhà tiêu hợp vệ sinh; 30,02% số hộ chăn nuôi nông thôn có chuồng trại hợp vệ sinh; 25% làng nghề xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh.
Như vậy có thể thấy hiệu quả xã hội từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là rất lớn. Người dân nông thôn đã có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng, chất lượng nước cũng như khối lượng nước phục vụ cho sinh hoạt ngày một tốt hơn và ở một số nơi đã đáp ứng được nhu cầu.
Từ đánh giá của bộ tiêu chí này, phần lớn các tiêu chí của tỉnh đã đạt và vượt trên mức trung bình cả nước. Nhưng có 3 tiêu chí đạt quá thấp là tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ chiếm 27,23% so với mức trung bình cả nước 36,43%; tỷ lệ công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững 80/240 công trình và tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 32,3% so với trung bình cả nước là 51,3%.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là hệ thống tổ chức chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình hiện nay ở cơ sở hoạt động kém hiệu quả. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp thiếu thường xuyên và còn nhiều lúng túng. Trong công tác chỉ đạo thực hiện, nhiều địa phương chưa thực sự tích cực, đôn đốc, vận động nhân dân sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới công trình cấp nước.
Công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư còn nhiều bất cập do khả năng chi trả tiền sử dụng nước của người dân rất hạn chế, nhất là vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Nhiều công trình phân tán tại hộ gia đình bị hư hỏng không được sửa chữa kịp thời. Hoạt động truyền thông còn nhiều hạn chế, kém hiệu quả. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách và tài trợ ít, ngân sách địa phương chưa cân đối được cho chương trình.
Anh Khoa