Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn. |
Cải cách hành chính là một trong những chương trình lớn của Đảng, Nhà nước và cũng là chủ đề được mọi người quan tâm nhất hiện nay.
Thời gian qua, cải cách hành chính ở nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước.
Năm 2010, là năm cuối thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (giai đoạn 2001-2010). Công cuộc cải cách hành chính theo Đề án 30 đến nay đi vào giai đoạn III.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin rằng đến giữa năm 2010 trở đi Việt Nam sẽ công bố danh mục các thủ tục hành chính với cam kết công khai, minh bạch và đơn giản hóa. Ông Alain Cany- Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho rằng: “Cột mốc năm 2010 mà Chính phủ Việt Nam đề ra trong việc hoàn tất cải cách thủ tục hành chính là một thách thức về thời gian. Vì hiện tại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc EuroCham và Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam đang phải đối diện với cách hiểu khác nhau về các văn bản luật dẫn đến các ứng xử khác nhau giữa trung ương và địa phương là một rào cản rất lớn. Điều này đã gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư và làm chậm việc thực hiện nhiều dự án”. Còn Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Peter Lysholt Hasen e ngại phần cải cách ở các bộ và các địa phương, đặc biệt là nhân lực thực hiện có thể không theo kịp mong muốn và yêu cầu của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thấy rõ “Việc cải cách hành chính mặc dù được triển khai sâu rộng, có chuyển biến. Tuy nhiên, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, còn nhiều hạn chế, gây bức xúc đối với người dân”.
Thực tế cho thấy, hiện nay tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu. Họ không được đào tạo một cách cơ bản nên chưa nắm vững các nội dung cải cách hành chính và chưa thông suốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Số liệu gần đây cho biết 60-70% công chức không qua đào tạo về quản lý nhà nước, 50% cán bộ cấp xã chỉ tốt nghiệp tiểu học hoặc trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, một số cán bộ công chức trẻ có một yếu điểm là thiếu kinh nghiệm thực tiễn dẫn đến làm việc đôi khi máy móc, sách vở. Nhiều người dân cũng như các doanh nghiệp rất ngại khi làm việc với các cơ quan hành chính. Họ phàn nàn về lối làm việc quan liêu, cửa quyền; về thủ tục rườm rà, phiền toái. “Hiện tượng sách nhiễu, vòi vĩnh còn diễn ra phổ biến ở các cơ quan hành chính các cấp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, tài chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà; cấp chứng chỉ quy hoạch, giới thiệu địa điểm cho các dự án đầu tư…”.
Năm 2009, “đã có hơn 600 người bị các cơ quan tố tụng xử lý trách nhiệm hình sự do có hành vi tham nhũng trong gần 300 vụ án, nhưng trên thực tế, tảng băng chìm chưa bị phát hiện còn rất lớn”. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói rằng: “Cải cách hành chính là “chìa khóa” để thực hiện phòng- chống tham nhũng có hiệu quả. Cải cách hành chính và chống tham nhũng có quan hệ hữu cơ, mật thiết”. Vậy câu hỏi lớn đặt ra đối với tình hình hiện nay là thủ tục hành chính giảm nhưng đội ngũ cán bộ không tốt thì uy tín và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước liệu có đạt được chăng?
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, do đó Đảng phải đặc biệt chú trọng việc đào tạo cán bộ để có một đội ngũ cán bộ tốt. Người chỉ rõ “Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xem xét các sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta như thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác như thế nào… Không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay… Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của con người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa… Cán bộ mà “gầy”, nhân dân mà “béo” mới là điều vinh hạnh cho Đảng ta...”.
Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị, nhưng cần nhận thấy rằng cái làm nên cơ sở chính trị của Đảng là đạo lý thương dân, vì dân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện quyết tâm “Thực hiện đồng bộ chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu… Nắm bắt kịp thời tư tưởng cán bộ, đảng viên nhằm động viên kịp thời những cán bộ, đảng viên tốt, loại bỏ những cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất”.
Trước khi về cõi vĩnh hằng, Bác Hồ đã dặn lại rằng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trung Nhân