(GLO)- Trước thực trạng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Gia Lai xung quanh công tác quản lý nhà nước về vấn đề này.
- P.V: Xin ông cho biết về thực trạng vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay, đặc biệt là đối với vấn đề vi phạm nhãn hàng, thương hiệu?
Ông Lê Hồng Hà: Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn biến khá phức tạp. Không ít cá nhân, doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận sẵn sàng làm giả, làm nhái những sản phẩm được bảo hộ có uy tín, chất lượng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa… làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện thật-giả. Thậm chí có những sản phẩm làm giả tinh vi đến mức chính doanh nghiệp sản xuất cũng khó phát hiện được.
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra lô hàng giày vi phạm sở hữu trí tuệ. Ảnh: L.L |
Bên cạnh đó, phần lớn các chủ SHTT chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Rất ít doanh nghiệp có bộ phận chuyên chăm lo về sở hữu trí tuệ, coi vấn đề SHTT là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Một số doanh nghiệp khác lại sợ bị ảnh hưởng đến doanh số và mức tiêu thụ sản phẩm nên không dám công khai thông tin sản phẩm của mình bị làm giả...
Với chức năng quản lý nhà nước, thời gian qua Chi cục đã triển khai nhiều phương án, giải pháp phòng-chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng vi phạm SHTT. Qua đó, đã phát hiện và xử lý một số cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn, góp phần giải quyết được vấn đề bức xúc trong xã hội, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất và người tiêu dùng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục đã kiểm tra và xử lý 5 vụ vi phạm liên quan đến SHTT, thu nộp ngân sách nhà nước 133,5 triệu đồng. Tịch thu và tiêu hủy 1.700 bao bì phân bón hữu cơ giả nhãn hiệu Danacomix; 1.280 chai rượu Vodka Club Men; 12 chiếc đồng hồ đeo tay giả nhãn hiệu Casio; 19 chi tiết phụ tùng giả nhãn hiệu HONDA và nhiều giày dép giả các nhãn hiệu Nike, Lacoste…
- P.V: Vậy, ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp để bảo vệ thương hiệu?
Ông Lê Hồng Hà: Việc quan trọng đầu tiên các doanh nghiệp nên làm ngay, đó là tiến hành đăng ký bảo hộ sản phẩm, thương hiệu của mình. Nếu có thể mỗi doanh nghiệp nên xây dựng một hệ thống nhân sự và kỹ thuật chuyên về bảo vệ quyền SHTT. Đây là việc được hầu hết những doanh nghiệp có uy tín trên thế giới coi trọng.
Song song đó, các doanh nghiệp cũng nên triển khai nhiều chương trình quảng bá, marketing để tuyên truyền cho người tiêu dùng những kiến thức cơ bản về sản phẩm, cách thức phân biệt hàng thật-hàng giả… Đồng thời, thường xuyên đầu tư cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như nghiên cứu các kỹ thuật cao chống làm hàng giả, làm nhái…
Ngoài ra, một vấn đề mà bản thân các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đó là việc phối hợp với cơ quan chức năng khi kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT. Do một số nhà sản xuất vẫn còn tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa của mình nên chưa thật sự mạnh dạn phối hợp để cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng. Đây chính là điểm yếu khiến hàng giả, hàng vi phạm SHTT vẫn có “đất sống”. Chính vì vậy, để bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, khi phát hiện vi phạm nên phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vụ việc đạt hiệu quả cao nhất.
Lê Lan (thực hiện)