Theo thống kê, có hơn 10 chủ vựa cua tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn bị thương lái Trung Quốc quỵt nợ với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Mấy tháng qua, tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau xảy ra tình trạng khách du lịch Trung Quốc giả danh thương lái thu mua cua của người dân, xong rồi quỵt nợ. Tuy nhiên, không chỉ có thị trấn nhỏ này mà nhiều huyện khác trong tỉnh Cà Mau cũng xảy ra tình trạng thương lái Trung Quốc đến thu mua cua rồi tìm cách quỵt tiền của rất nhiều người dân.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ vựa cua tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn cho biết, ông làm nghề vựa cua từ nhiều năm nay. Sau khi thu gom được nhiều cua, ông mang ra thành phố Hồ Chí Minh bán. Cuối năm 2011 ở vùng này có đến trên 50 người Trung Quốc lùng mua cua với giá rất cao, ông mua theo không kịp đành phải bán cua lại cho các thương lái Trung Quốc. Bán cho thương lái Trung Quốc còn lời hơn mang bán tận thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đầu họ trả tiền rất nhanh, nhưng dần về sau họ trả theo kiểu gối đầu, đến nay còn thiếu tới 100 triệu đồng.
Chị Võ Kiều Loan một chủ vựa ở Khóm 1, thị trấn Năm Căn trình bày: Hầu hết cua biển ở thị trấn Năm Căn đều xuất sang Trung Quốc thông qua các thương lái tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ khi có thương lái của Trung Quốc về tận nơi thu mua với giá cao hơn giá bán tại thành phố Hồ Chí Minh, các chủ vựa đều bán cho họ. Cũng bằng thủ đoạn tương tự đến nay các thương lái Trung Quốc còn nợ chị Loan 900 triệu đồng.
Theo thống kê, có hơn 10 chủ vựa cua tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn bị thương lái Trung Quốc quỵt nợ với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Hầu hết các nạn nhân khi làm việc với chúng tôi đều tự trách mình vì hám lời nên bị họ gạt. Và đề nghị chúng tôi không ghi âm, chụp ảnh, quay phim. Hiện nay, chính quyền các địa phương đang tiến hàng thống kê lại số hộ mua bán bị gạt nợ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc mua bán, nhất là với những thương gia nước ngoài.
Ông Huỳnh Vũ Phong, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết: “Huyện chỉ đạo công an kiểm tra hộ khẩu không cấp phép cho vào địa bàn nữa. Phát động tuyên truyền người dân nêu không phải là người quốc tịch Việt Nam là mình không bán nữa”.
Ông Lê Văn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển kể: Mấy tháng nay, nông dân huyện Ngọc Hiển bàn tán xôn xao về các thương lái Trung Quốc vào mua tận nhà mua cua với giá rất cao. Bước đầu ông Kháng tưởng đây là tin lành khi có thương lái vào tận nơi mua cua giá cao, dân có điều kiện thoát nghèo. Nhưng không ngờ đến khi thương lái quỵt nợ, nông dân lại nghèo thêm.
Không chỉ có 3 huyện kể trên có thương lái Trung Quốc vào tận nhà dân để thu mua cua, mà các huyện khác như Trần Văn Thời và Cái Nước cũng có bóng dáng của các thương lái dỏm người Trung Quốc này. Trước khi ra giá, các thương lái Trung Quốc thường tham khảo giá do các thương lái địa phương thu mua. Sau đó họ đưa ra giá thường cao hơn giá địa phương làm cho các thương lái địa phương phải bán cua lại cho họ. Lâu ngày các chủ vựa này trở thành nạn nhân của thương lái Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho biết: Tuần tới huyện sẽ mở chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân địa phương trước sự việc này. Cách tuyên truyền của Cái Nước là mời bà con đến từng vùng từng vùng, từng xã, mỗi xã khoảng 2-3 lớp. Chủ yếu là chuyển giao khoa hoc kỹ thuật. Thông tin này chúng tôi vừa được nghe trên đài Trung ương, chúng tôi ghi nhận và đi sâu đi sát trong công việc của mình và hướng dẫn bà con cảnh giác trong công việc đó”.
Cho đến nay vẫn chưa thống kê được người dân Cà Mau có bao nhiêu người là nạn nhân của các thương lái Trung Quốc. Vì nhiều người không muốn nói ra trước sự nhẹ dạ cả, tin của mình. Nhưng theo phản ánh của bà con, tất cả các huyện ven biển của Cà Mau đều có vết chân của các thương lái Trung Quốc.
Tình trạng này đã xuất hiện từ hơn 1 năm nay nhưng chính quyền địa phương không biết, hoặc biết nhưng không biện pháp quản lý. Đến khi sự việc phát hiện thì các thương lái Trung Quốc đã để lại cho người dân Cà Mau một món nợ lớn, làm cho nhiều dựa mua bán cua ở địa phương lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay.
Theo TTXVN