(GLO)- Họ-những người con đất Việt-vì lý do nào đó mà phải rời xa quê hương đi làm ăn nơi đất khách. Họ khác nhau về tuổi tác, về tính tình và cả về cách sống, cách mưu sinh… Trong số họ, có người chỉ vừa mới đặt chân đến được một thời gian ngắn, có người đã trở thành những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh sống trên xứ người.
Những công nhân Việt đang làm việc cho Tập đoàn HAGL tại Lào đa số là thanh niên trẻ. Ảnh: Hồng Thi |
Hiền, trò chuyện cởi mở và lúc nào cũng nở nụ cười tươi trên môi… là những điểm chung mà tôi thấy được khi trò chuyện với một số công nhân đang làm việc cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại tỉnh Attapeu-Lào. Hầu hết họ đều còn trẻ, mới xa nhà sang đây làm việc từ 1-2 năm. Mỗi tháng, được công ty tạo điều kiện nghỉ phép 4 ngày, họ thay phiên nhau về thăm nhà. Có lẽ vì thế mà khi tôi hỏi các bạn có nhớ nhà không, chỉ một số ít bảo hơi nhớ, còn lại đều lắc đầu và trả lời là “quen rồi”.
Châu Thanh Tùng (SN 1991) rời quê nhà (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) sang Attapeu từ tháng 6-2011. Tháng đầu tiên, Tùng được HAGL đào tạo tay nghề để trở thành một công nhân cạo mủ cao su giỏi. “Họ dạy em cách cầm dao, cách cạo mủ sao cho đúng kỹ thuật, không bị phạm vào thịt cây. Vì chưa tiếp xúc với công việc này bao giờ nên mới đầu em thấy khó, dần dần em kiên trì thực hành và sau 1 tháng đã có thể cạo thành thục”-Tùng hồ hởi.
Tùng đảm nhận cạo mủ 3 lô (từ 250-300 cây cao su) với mức lương 300 USD/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng Tùng và công nhân nơi đây còn được trợ cấp tiền ăn 600 kip Lào. Số tiền đó, Tùng bảo rằng, em có thể dành dụm được phần lớn để gửi về quê phụ giúp gia đình.
Một góc khu nhà ở dành cho công nhân của Công ty Đầu tư Phát triển cao su Mang Yang-Rattanakiri. Ảnh: Hồng Thi |
Qua làm việc cho HAGL tại Attapeu sau Tùng (10-2012), Đỗ Trạng Võ Ý Nhi (SN1989, quê ở Hoài Nhơn, Bình Định) được phân làm giám sát tại Nông trường cao su 4. Ngoài khoảng tiền trợ cấp 600 kip Lào, mỗi tháng Ý Nhi nhận được 5,4 triệu đồng tiền lương. Nhi trải lòng: “Lúc mới sang đây, mình cũng nhớ nhà và buồn lắm vì chưa quen biết ai cả. Giờ thì quen rồi, bạn bè làm chung cũng toàn người trẻ, lại cùng quê nên dễ dàng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống xa nhà. Với lại, chế độ đãi ngộ của HAGL cũng tốt, tạo điều kiện cho anh chị em công nhân gặp gỡ, sinh hoạt, giao lưu văn nghệ, thể thao… Dù đôi lúc xa nhà cũng thấy tủi thân nhưng rồi mình nghĩ, qua đây mình vừa được đào tạo nghề miễn phí, vừa có công việc ổn định, lại dư dả được chút ít mà gửi về cho gia đình là tốt rồi”.
Khác với các công nhân trẻ trên đất Lào, những người Việt đang sinh sống ở xứ sở Chùa Tháp lại mang những nỗi niềm riêng. Vợ chồng anh Trần Quang Tuấn, chị Huỳnh Thị Giếng là một trong số những người Việt tôi được tiếp xúc tại TP. Ban Lung (Rattanakiri, Campuchia) trong chuyến công tác vào tháng 12 năm ngoái. Anh Tuấn là công nhân của Công ty Đầu tư Phát triển cao su Mang Yang-Rattanakiri, còn chị Giếng ở nhà chăm con và buôn bán nhỏ. Nằm lọt thỏm một góc trong khu công nhân, quầy tạp hóa của vợ chồng anh Tuấn tuy bé nhưng lại là lựa chọn của nhiều người nhằm xoa dịu bớt cái không khí oi nồng đang phả ra ngột ngạt trong những ngày cuối năm.
Chị Huỳnh Thị Giếng lo lắng khi nghĩ về tương lai của con mình trên đất Campuchia. Ảnh: Hồng Thi |
Với dáng người nhỏ nhắn, chị Giếng nhanh nhẹn chặt dừa rồi lấy nước cho khách, còn anh Tuấn thì cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa phụ vợ bán hàng. Bên góc quán, hai đứa trẻ vô tư chơi đùa, thỉnh thoảng đứa này lại í ới gọi cha mẹ để mách lỗi vì trò nghịch dại của đứa kia. Mọi người giao tiếp với nhau khi bằng tiếng Việt, lúc lại tiếng Cam, khiến đầu tôi đôi lúc thấy rối rắm vì chẳng thể hiểu kịp. Thế nhưng tôi lại thích ngồi nghe họ nói, có lẽ bởi không gian ấy cho tôi một cảm nhận thú vị nào đó mà lúc bấy giờ, tôi chưa thể định nghĩa được.
Theo chia sẻ của chị Giếng, chị đã là thế hệ thứ ba của gia đình tại xứ sở Chùa Tháp này. Đến bây giờ, chị cũng không nhớ rõ gia đình mình đã sinh sống bao nhiêu năm trên đất khách, chỉ biết là ông bà nội rời quê nhà (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) để sang Campuchia từ lâu lắm rồi. Cha mẹ chị cũng được sinh ra trên đất Cam, rồi đến chị và giờ là 2 đứa con của chị. “Năm 1991, gia đình chuyển lên thủ đô Phnôm Pênh sống và làm nghề đánh cá để mưu sinh. Vất vả lắm, phải phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết, nhiều lúc chẳng kiếm đủ bữa cơm nhưng cũng phải cố gắng chứ khi đó chẳng biết làm công việc gì khác. Rồi sau này tôi lập gia đình, theo chồng về đây, lương công nhân của anh ấy trung bình mỗi tháng được 200 USD, cộng với khoản thu về nhờ bán tạp hóa cũng tạm đủ để trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học”-chị Giếng tâm sự.
Nói về tương lai của hai đứa trẻ, anh Tuấn thở dài: “Gia đình chúng tôi sống lâu ở nơi này như thế nhưng Chính phủ Campuchia vẫn chưa cho nhập quốc tịch. Họ chỉ cấp giấy tạm trú tạm vắng cho chúng tôi 2 năm một lần. Con cái chúng tôi học tiếng Việt chẳng được là bao, chủ yếu là học tiếng Campuchia ở trường tư. Hết lớp 3, bắt buộc phải có quốc tịch Campuchia mới được học lên tiếp. Nhiều khi muốn cho con cái ăn học nên người cho chúng bớt khổ về sau, nhưng chúng tôi bất lực, đành để chúng dở dang cái chữ thôi”.
Ngày ngày, Lê Thị Bé Ngọc (ngồi) phải tất bật mưu sinh ở chợ từ sáng đến tối. Ảnh: Hồng Thi |
Giống như vợ chồng anh Tuấn, cô bé Lê Thị Bé Ngọc cũng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chùa Tháp. Cách đây gần 30 năm, bố mẹ Ngọc rời quê hương Quảng Ngãi sang Campuchia mưu sinh rồi định cư lại đây. Ngọc có 6 anh chị em, tất thảy đều nói sành sỏi cả tiếng Việt và tiếng Cam. Ngọc chia sẻ: “Em lập gia đình từ năm 19 tuổi, đến nay đã được 4 năm rồi. Chồng em là người Miên nhưng được cái cũng thương vợ yêu con và biết lo cho gia đình. Hàng ngày anh ấy đi khuân vác, còn em thì bán hàng ở chợ. Cuộc sống cũng còn khó khăn, vất vả lắm nhưng thuận vợ thuận chồng làm ăn cũng đỡ khổ”.
Với những người con đất Việt đã trót phải gắn bó dài lâu với xứ người như vợ chồng anh Tuấn hay gia đình Bé Ngọc, được trở về Việt Nam thăm quê hương là một niềm mong mỏi lớn lao nhưng lại khó thực hiện. “Chúng tôi cũng muốn về để biết quê cha đất tổ, một phần là để con cháu không quên nguồn cội của mình. Thế nhưng đến giờ vẫn chưa có đủ điều kiện để về”-anh Tuấn bày tỏ.
Hồng Thi