Xóm trọ cho công nhân vốn là nơi náo nhiệt, đông đúc thì nay nhiều khu vực trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi công việc khiến họ phải về quê sớm. Thế nhưng, những người còn “mắc kẹt” thì đang phải gồng mình bám trụ, con đường về quê ăn Tết, đoàn tụ cùng gia đình trở nên quá xa xôi.
Đường về còn xa
Chúng tôi đến xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) vào những ngày giáp Tết, mưa phùn, gió mùa đông bắc tràn về càng khiến những xóm trọ ở đây trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều người dân ở đây còn bảo họ chưa quen với cảnh vắng vẻ thế này. Trước đây công nhân đông, họ đi lại, mua sắm, nói cười hệt như một khu phố đi bộ trong nội thành. Bà Nguyễn Thị Tươi, chủ một quán nước tại chợ Bầu (Kim Chung) than thở: “Công nhân về quê từ lâu rồi, giờ vắng vẻ lắm. Trước đây họ đi lại, mua sắm đông vui, quán nước của tôi lúc nào cũng có người ngồi chứ đâu vắng tanh vắng ngắt thế này”.
|
Làm công nhân cho Công ty SEI đã 4 năm nhưng đây là lần đầu tiên chị Thao lo mình không được về quê ăn Tết. |
Đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm trưa, chị Lường Thị Hồng Thao (24 tuổi, trú tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) buồn bã nói với chúng tôi: “Chẳng biết Tết này mình có được về quê đoàn viên cùng gia đình hay không”.
Theo lời chị Thao chia sẻ thì hiện địa phương chị đang là vùng cam, những ngày tới không biết dịch có bùng lên nữa hay không. Hơn nữa, chị lại đang làm việc tại vùng đỏ nên đường về quê còn nhiều gập ghềnh. Chị Thao bảo rằng làm việc xa nhà, vất vả cả năm rồi giờ chỉ mong đến Tết được về quê sum họp cùng gia đình. Chưa có gia đình riêng nên Thao rất sợ cái cảm giác sẽ phải cô độc đón Tết ở nơi không người thân.
Chị Thao chia sẻ: “Năm nay vì dịch bệnh liên miên nên công ty mình cũng như nhiều công ty khác đều phải nghỉ trong thời gian giãn cách xã hội. Những lúc đó thì tiền tích cóp được lại phải mang ra dùng nên sắp Tết rồi mà cũng chẳng để ra được là bao. Hơn nữa, vì dịch nên công ty cũng ít việc, không tăng ca nên lương của mình cũng chỉ dao động khoảng trên dưới 6 triệu thôi. Mỗi tháng, riêng tiền phòng trọ, tiền điện nước cũng đã mất 1 triệu đồng, chưa kể ăn uống và những khoản chi phí khác”.
|
Vì chưa tiêm mũi 2 nên nhiều khả năng anh Minh không thể về quê dịp Tết. |
Xóm trọ nơi chị Thao đang ở có khoảng 5-6 phòng nhưng tất cả đều chung nhau phòng tắm và phòng vệ sinh. Thế nên, mỗi lần đi làm ca chiều từ 1 giờ đến 10 giờ đêm, về phòng trọ chị Thao vẫn phải thức đợi để được đến lượt tắm gội. Thao kể: “Hầu hết các phòng đều làm ca giống nhau nên khi tan ca về bọn mình thường phải chia nhau chờ đợi vệ sinh cá nhân, lục đục cũng phải sang ngày mới”.
Nếu như với chị Thao, việc không được về quê ăn Tết cùng gia đình là một điều “đáng sợ” thì đối với chị Hoàng Thị Thanh (39 tuổi, Phú Lương, Thái Nguyên) lại gần như là một điều hiển nhiên. 9 năm làm bảo vệ cho Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam thì có tới 4 năm chị không được đón Tết cùng người thân. Chị Thanh chia sẻ: “Tết đến xuân về, nhìn mọi người háo hức về quê mình cũng chạnh lòng lắm nhưng biết làm sao được. Công việc đòi hỏi mình phải ở lại thì mình đành đón Tết muộn hơn những người khác thôi”.
Tết với chị Thanh thường bắt đầu từ khoảng mồng 3, lúc đó chị mới chính thức được về với gia đình. “Những năm gần đây, năm nào mình cũng đón Tết bằng video call. Sắp tới giao thừa, chồng và con trai mình thường gọi điện động viên và chúc mừng năm mới. Có lần con trai mình nói với mẹ là “Mẹ xin nghỉ về ăn Tết cùng với con và mọi người đi. Tết không có mẹ nhà mình buồn lắm”. Thực sự khi nghe con nói vậy mình chỉ biết khóc vì tủi thân và thương con nhưng công việc khiến mình không thể khác được”, chị Thanh tâm sự.
Cũng theo lời chị Thanh chia sẻ thì những người làm bảo vệ lâu năm như chị thường phải ở lại trực Tết vì lý do là quen sử dụng máy tính. Chị bảo công ty chị người vào người ra đều quản lý bằng máy móc giống như siêu thị nên những người mới vào làm thường chưa có kinh nghiệm, dễ để xảy ra sai sót.
|
Đã 4 năm rồi chị Thanh không được đón giao thừa cùng gia đình. |
Cách xóm trọ của chị Thanh không xa là xóm trọ của anh Tạ Ngọc Minh (sinh năm 1993, trú tại Tiền Hải, Thái Bình). Anh Minh hiện đang là công nhân của Công ty Canon. Khi được hỏi Tết có về quê không thì anh Minh đáp rằng “nhiều khả năng là không”. Lý do là anh mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine nên nếu về chắc sẽ phải cách ly một thời gian dài. Bản thân anh lại mới xin vào công ty được khoảng 3 tháng nên cũng không muốn xin nghỉ sớm sợ ảnh hưởng đến công việc sau này. Anh Minh cho biết: “Mình mới chỉ tiêm được 1 mũi là do dưới quê mình tiêm loại vaccine Abdala, giờ lên đây muốn đăng ký tiêm thì ông chủ bảo không biết loại vaccine đó khoảng cách bao lâu mới tiêm được mũi 2 nên không đăng ký cho mình”.
Thanh niên chưa vợ, lần đầu tiên đi làm xa lại không được về quê ăn Tết khiến anh Minh cảm thấy rất buồn. Anh bảo: “Chẳng biết sẽ làm gì cho hết những ngày Tết”.
Cũng như Minh, khi nghe chúng tôi hỏi: “Tết này có về quê không?”, rất nhiều công nhân ở các khu trọ đều có chung một câu rằng “chưa biết thế nào”. Anh Nguyễn Quang Thiệp (Hàm Yên, Tuyên Quang) nói rằng vừa lăn tăn, vừa lo lắng không biết có được về quê ăn Tết không, vì “quê em cũng đang có dịch, nếu muốn về thì phải đi cách ly tập trung 7 ngày còn nếu về từ vùng đỏ thì phải cách ly tập trung 14 ngày. Hiện tại xung quanh khu em ở nhiều xóm trọ cũng đang phải cách ly vì có ca nhiễm F0. Cho đến lúc này em cũng không biết là sắp tới nó có bị lên vùng đỏ hay không”. Vì thế, nhiều ngày nay anh Thiệp cứ trăn trở với câu hỏi “về hay ở lại”. Bởi ngay cả khi khu anh ở không trở thành vùng đỏ thì về nhà anh vẫn phải cách ly tập trung 7 ngày. Trong khi ngày 26 tháng Chạp công ty mới cho nghỉ và mồng 6 đã đi làm trở lại. Nếu có về quê, Thiệp cũng chỉ ở nhà được 2 ngày.
|
Nhiều công nhân chỉ dám thuê trọ ở những khu nhà xập xệ. |
Đến các khu nhà trọ những ngày qua, chúng tôi cũng đều cảm nhận được nỗi niềm vừa lo lắng, vừa có chút bất an của những người công nhân xa quê. Bởi đường về quê ăn Tết với nhiều người còn xa lắm. Có những người không giấu được sự chán chường, thậm chí là có chút bất mãn với hoàn cảnh hiện tại. Thế nên, khi chúng tôi chỉ vừa cất lời trình bày: “Anh ơi/chị ơi chúng tôi là...” thì họ đã đóng sầm cửa lại kèm lời nói: “Thôi thôi, có gì đâu mà hỏi, đang sống dở chết dở đây này”.
Chủ nhà trọ cũng buồn
Nếu như các công nhân mất việc, buồn bã trở về quê thì những chủ nhà trọ cũng chẳng thể vui vẻ hơn. Rất nhiều ông chủ nhà trọ rơi vào tình trạng thất thu nhiều tháng nay, cuộc sống bắt đầu lao đao. Anh Lê Minh Hồng (Thôn Bầu, xã Kim Chung) chia sẻ: “Trước đây chưa có dịch giã, cả khu này đều luôn ở tình trạng không còn phòng trọ cho thuê, 3-4 công nhân ở ghép không phải là hiếm. Thế nhưng, từ khi dịch bùng phát trở lại Hà Nội thì nhiều công nhân đã mất việc, phải về quê. Nhà tôi có một dãy trọ 20 phòng nhưng giờ chỉ còn 2 phòng có người thuê. Dù tôi đã hạ giá từ 1,2 triệu/phòng/tháng xuống còn 600.000 đồng mà cũng không có ai thuê”.
Theo khảo sát của chúng tôi, một số dãy trọ tại thôn Cổ Điển, thôn Bầu, thôn Hậu... nhiều khu trọ hiện còn trống khoảng 50-60% số lượng phòng. Ông Ngô Văn Dương, chủ xóm trọ có 10 phòng cho thuê ở thôn Bầu (xã Kim Chung) cho hay, đời sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập giảm do dịch bệnh bùng phát kéo dài. Đã có nhiều công nhân nợ ông 4-5 tháng tiền phòng chưa trả. “Thực ra họ cũng đều là những người lao động, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Tôi thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của họ. Có nhiều người không còn khả năng trả tiền phòng, tôi cho chịu 4-5 tháng. Mặc dù họ đã về quê, tôi cũng không biết địa chỉ cụ thể họ ở đâu, nếu như họ không lên đây nữa thì tôi cũng không tiếc gì tiền phòng cả”.
Khi chúng tôi đến khu trọ nhà anh Lê Văn Tùng (thôn Cổ Điển, Kim Chung) là lúc ông chủ này đi tra dầu cho hàng loạt ổ khóa của các phòng trọ để không nhiều tháng nay. Anh Tùng ngán ngẩm nói nhà anh có 2 khu trọ nhưng hiện giờ chi còn một số công nhân ở lại nên anh dồn cả sang một khu để họ đỡ buồn. Hơn nữa, nếu để mỗi khu một vài phòng ở thì mất công quản lý nữa.
“Những năm trước, dịp cuối năm các xóm trọ rất vui. Các bạn ấy hay tụ tập ăn uống tất niên rồi hồ hởi về quê. Nhưng, bây giờ không khí ở đây đìu hiu lắm. Nhiều công nhân không thể cầm cự được nên trả phòng và về quê rồi. Doanh thu của gia đình tôi gần một năm nay giảm đi rất nhiều, nếu tình trạng này kéo dài, có khi tôi cũng phải kiếm việc khác làm để duy trì cuộc sống”, anh Tùng than thở.
Phong Anh (cand.com.vn)