(GLO)- L.T.S: Ngày 12-11-2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3795/KH- UBND “Mở đợt cao điểm tổng kiểm tra và vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”. Xung quanh công tác này, Gia Lai online đã có cuộc phỏng vấn Đại tá NGUYỄN DUY LANH- Phó Giám đốc Công an tỉnh.
- Xin ông cho biết một số nét cơ bản về thực trạng việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh ta.
Công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ luôn được các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể của tỉnh quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp công tác được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực, trong đó nổi bật là việc ngăn chặn hiệu quả các vụ nổ do sử dụng vũ khí, đạn dược trái phép gây ra. Trong thập niên khoảng 80, 90-thế kỷ XX, hàng năm trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ nổ mìn, nổ đầu đạn và sử dụng súng trái phép dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhiều vụ làm chết, bị thương nhiều người.
Những năm gần đây, tình hình đã được cải thiện nhiều, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Số súng, đạn, mìn sót lại sau chiến tranh ẩn chứa trong lòng đất, sông, hồ còn nhiều, rất dễ phát nổ nếu không được thu gom, tiêu hủy đúng quy trình; nhiều cán bộ sau khi nghỉ công tác vẫn giữ lại súng, đạn làm kỷ niệm, không giao nộp lại theo quy định; một số đồng bào dân tộc thiểu số chưa từ bỏ thói quen sử dụng súng tự chế để săn, bắn; nhiều tổ chức, cá nhân vẫn sử dụng vật liệu nổ trái phép phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là trong khai thác khoáng sản.
Việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở nhiều cơ quan, đơn vị còn lỏng lẻo, bất cập, còn để thất thoát, mất mát và sử dụng sai quy định; gần đây nhất là vụ cán bộ Chi cục Kiểm lâm nổ súng trong khu dân cư tại địa bàn huyện Krông Pa làm người dân bất bình; đáng chú ý hiện nay là tình trạng đối tượng sử dụng súng, dao, kiếm, mã tấu thực hiện tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở nhiều địa bàn.
Kiểm tra vũ khí do người dân giao nộp. Ảnh: Tiến Thành |
Thực trạng này đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết đối với công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
- Sau 2 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch 3795 kết quả ở mức nào?
Qua 2 tháng triển khai kế hoạch, hiệu quả lớn nhất là tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Một số kết quả bước đầu đạt được rất đáng khích lệ, quần chúng nhân dân đã tự giác giao nộp 37 súng quân dụng, 94 súng tự chế, 12 lựu đạn, quả nổ, 9 kíp điện và 55 viên đạn các loại; thông qua kiểm tra, lực lượng Công an và quân sự cũng đã phát hiện, thu hồi 2 súng quân dụng, 65 súng tự chế, 24 súng kíp, 4 súng thể thao, 2 súng hơi, 1 súng M72, 0,5 kg thuốc nổ, 1 bình xịt hơi cay do các cá nhân, tổ chức tàng trữ, sử dụng trái phép; các hoạt động quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
- Hiện nay chuyện mua bán súng hoa cải, súng độ chế, roi điện… khá dễ dàng dẫn đến tình hình tội phạm gia tăng. Theo ông trách nhiệm này thuộc về ai và biện pháp quản lý trong thời gian tới như thế nào?
Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này, các bộ, ngành Trung ương đã quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong việc cấp phép, mua, bán, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các hoạt động này đã, đang và ngày càng được củng cố, kiện toàn.
Tuy nhiên, thực tế việc mua bán tự do một số loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép đang diễn biến khá phức tạp. Nguồn gốc chính của số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép trên thị trường là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, Campuchia vào nội địa; một số do người dân tự tạo, tự chế, hoặc do các tổ chức, cá nhân để thất thoát trong quá trình quản lý, sử dụng. Ở đây có trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, trong nhiều lĩnh vực, như: quản lý xuất-nhập khẩu hàng hóa; quản lý biên giới; quản lý thị trường; phòng-chống tội phạm; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật và quản lý, giáo dục con em của gia đình, nhà trường...
Để ngăn chặn hiệu quả các vi phạm cần tập trung tuyên truyền phổ biến nội dung Pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các văn bản triển khai thực hiện Pháp lệnh của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh để mọi người dân biết, chấp hành, đồng thời tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để sơ hở, thiếu sót, tạo điều kiện nảy sinh vi phạm; làm tốt công tác vận động các tầng lớp nhân dân, bao gồm cả đội ngũ cán bộ đã nghỉ hưu mà còn giữ vũ khí tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý kiên quyết, nghiêm minh các hành vi vi phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Xin cảm ơn ông.
Nguyễn Dung (thực hiện)