Bước chân những người giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đã từng được trải nghiệm cái cảm giác leo dốc đến tức ngực, lội rừng đến không nhấc nổi chân nên về khía cạnh nào đó, tôi hiểu được nỗi nhọc nhằn của những người giữ rừng. Ấy vậy mà những người “thuộc rừng như lòng bàn tay” lại luôn biến những vất vả, nhọc nhằn của nghề thành những câu chuyện thi vị. Và tình yêu đối với rừng của tôi cứ đong đầy thêm từ những câu chuyện ấy...

Hóm hỉnh và lãng mạn

Nhớ lần đi thực tế ở Trạm cửa rừng Ia Ga (huyện Chư Prông, Gia Lai), đang cố tránh cái nắng như thiêu như đốt của mùa khô biên giới thì gặp các anh Chu Văn Hùng- kiểm lâm địa bàn xã Ia Piơr và Nguyễn Văn Vụ- Kiểm lâm địa bàn xã Ia Lâu đi tuyên truyền công tác phòng-chống cháy rừng từ các làng về ghé qua. Xe máy và người nhuộm đỏ bụi đường. Nghe tôi hỏi chuyện, anh Vụ nở nụ cười hóm hỉnh: “Từ khi làm kiểm lâm đến nay, chỉ lội rừng tuần tra thôi tính ra, tôi cũng đi được hơn một vòng trái đất!”. So sánh đến thế thì khó có cách nào ấn tượng hơn.

Khoảng lặng giữa rừng. Ảnh: Nguyễn Thị Dung
Khoảng lặng giữa rừng. Ảnh: Nguyễn Thị Dung

Còn anh Nguyễn Minh Thái- kiểm lâm địa bàn xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, Gia Lai) lại cho tôi cảm nhận về một tâm hồn nhạy cảm đầy thơ mộng khác hẳn với nét khắc khổ hằn sâu trên gương mặt khi anh say sưa kể về cảm giác thanh thản lúc đứng trên đỉnh Cô Tiên (đỉnh núi cao tới 1.300 mét so với mặt nước biển thuộc dãy Đông Trường Sơn và phải đi bộ hơn nửa ngày mới tới), với những cây bách xanh, những cây thông cổ thụ có đường kính một mét, kỷ niệm của những đêm lăn lộn xây dựng cơ sở, xây dựng mạng lưới thông tin.

Cả câu chuyện đẹp như mơ, cứ ngỡ chỉ có thể xảy ra trong chiến tranh của anh Bùi Quang Thịnh- Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động số 2. Có lẽ thấy tôi có thể tin tưởng được nên anh đã trải lòng về kỷ niệm có một không hai trong cuộc đời mình. Ấy là vào năm 2006, khi anh là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa (Gia Lai). Trong một lần phối hợp cùng lực lượng xã Iadh Reh và xã Ia Rmok đi tuần tra bảo vệ rừng, anh được ưu tiên chở cô cán bộ xã Ia Dreh và xã Ia Rmok đi tuần tra bảo vệ rừng, anh được ưu tiên chở cô cán bộ xã Ia Dreh người Jrai “mảnh mai xinh đẹp”. Đang trong cảm giác thơ thới, lâng lâng vì lần đầu tiên được chở người đẹp đi giữa màu xanh bạt ngàn của rừng thì chiếc xe máy giở chứng. Cả đoàn đi phía trước nên chẳng ai biết họ bị sự cố. Cô gái Jrai “liễu yếu đào tơ” chẳng giúp được gì. Một mình anh hì hụi đẩy xe lên dốc rồi lại xuống dốc. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, chảy thành dòng trên mặt. Trong rừng, hoàng hôn xuống nhanh hơn. Chẳng mấy chốc màn đêm bao phủ cả cánh rừng. Họ đành che lán ngủ lại. Hai con người, một nam, một nữ lọt thỏm giữa mênh mông rừng già. Hôm ấy, lại đúng đêm rằm, trăng trên trời sáng vằng vặc. Những tia sáng dịu dàng lọt qua kẽ lá rọi xuống mặt đất dệt nên một không gian thật lãng mạn, thật nên thơ. Đêm càng về khuya càng lạnh. Hai người phải nằm tựa lưng để truyền cho nhau chút hơi ấm. Họ cứ lặng lẽ nằm cạnh nhau như thế. Rồi anh cũng thiếp đi cho đến lúc nghe tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau mới bừng tỉnh. Anh thật thà: “Lúc ấy lòng mình cũng xao xuyến lắm nhưng vẫn đủ tỉnh táo để giữ được tình cảm vẹn nguyên giữa hai người”.

Đau đáu với nghề

Hình như là tuổi Dần nên tôi có duyên với rừng thì phải. Bởi tôi đã từng “gắn bó” với các đơn vị lâm nghiệp ở huyện Kbang. Vậy nên, tôi cũng được một vài người “cầm lái” chia sẻ những tâm sự “gan ruột” về nghề.

Lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Ka Nak kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Thị Dung
Lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Ka Nak kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Thị Dung

Người trước tiên tôi muốn nhắc đến là Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ka Nak Nông Văn Tưởng- một Giám đốc “vừa có tầm, vừa có tâm” như mọi người vẫn nói. Lần nào đến Công ty, tôi cũng bị cuốn vào những kế hoạch, những dự định làm giàu của anh. Không chỉ làm giàu cho doanh nghiệp mà làm giàu cho cả địa bàn dân cư. Chẳng hiểu anh lấy đâu ra lắm ý tưởng đến vậy. Nào là chủ động đề xuất với chính quyền địa phương chuyển đổi đất không có rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, rồi khai hoang đầm lầy, hướng dẫn bà con làm lúa nước, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Nào là tuyên truyền vận động bà con tham gia trồng rừng nông-lâm kết hợp trên đất dốc, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giúp bà con thoát nghèo bền vững. Rồi thì mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến, hiện đại để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng ngành nghề, nhất là chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến việc mở những dịch vụ lợi thế như du lịch sinh thái, xây dựng thương hiệu... Chẳng thế mà trong lúc nhiều đơn vị đang loay hoay tìm hướng đi mới thì Công ty Lâm nghiệp Ka Nak đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ và trở thành điểm sáng trên địa bàn. Năm 2009, nguồn vốn của Công ty tăng lên 21 tỉ đồng; nộp ngân sách trên 7 tỉ đồng; lương bình quân của cán bộ, công chức đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Có lần anh tâm sự: “Mình dành 60% trí tuệ, sức lực cho địa bàn, chỉ dành cho doanh nghiệp 40%”.

Chuẩn bị giống. Ảnh: Nguyễn Thị Dung
Chuẩn bị giống. Ảnh: Nguyễn Thị Dung

Một người nữa cũng rất nhiều ý tưởng là anh Đồng Hữu Công- Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đak Roong. Dẫu không được “thiên thời, địa lợi” như Công ty Lâm nghiệp Ka Nak nhưng anh vẫn không ngừng tìm hướng đi cho đơn vị và người dân trên địa bàn. Khi thì thử nghiệm mô hình trồng tre lấy măng. Lúc lại tính đến việc  trồng hoa, trồng rau xứ lạnh và nuôi cá tầm, cá hồi nước lạnh... Rồi đây, khi tuyến đường Đông Trường Sơn hoàn thành, những bất lợi về thổ nhưỡng, khí hậu sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của Công ty. Những ý tưởng, những dự định của anh sẽ mau chóng trở thành hiện thực, tạo nên diện mạo mới cho Công ty; góp phần mở ra hướng đi mới, tạo sức bật cho vùng đất vốn nhiều khốn khó này. 

Và còn nhiều, nhiều lắm những tấm lòng như thế mà tôi đã gặp trong mỗi chuyến đi. Nó như liều thuốc bổ giúp tôi thêm tin, thêm yêu cuộc đời hơn.

Nguyễn Thị Dung



Có thể bạn quan tâm