Bụi đỏ quay về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đâu đó tầm hơn ba mươi năm, ngã ba Trung Mang (nay là xã Ba, Đông Giang) đã nức tiếng, một “thị tứ cao bồi” vì có nhiều người thập phương tứ xứ đến và ở lại. Cơn lốc nhập cư thổi vào thung lũng một thứ nhộn nhịp rất khác lạ, ở nơi từng chỉ là một góc núi lặng yên bên kia Bà Nà.

Xã Ba, Đông Giang nhìn từ đồi chè. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Xã Ba, Đông Giang nhìn từ đồi chè. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Vàng son ký ức
Ông Khanh, chủ tiệm cà phê ngay ngã ba Trung Mang quả quyết, đó là quãng thời gian hưng thịnh nhất của thị tứ nhỏ bên dòng sông Vàng. Chuyến xe đò ì ạch bò suốt con đường từ Đà Nẵng lên đến Trung Mang mất gần trọn một ngày, nhưng hầu như không khi nào bỏ chuyến.
Khách khứa, hàng hóa chất đầy. Thế nên, dù chỉ có chiếc xe đò duy nhất, nhưng khoảng đất trống gần ngã ba bây giờ luôn được gọi là “bến xe Trung Mang”. Công nhân nông trường khi đó từ các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn đổ lên, theo kiểu “kinh tế mới”. Những nương chè xanh ngút với hàng nghìn công nhân làm việc. Những bãi vàng “thổ phỉ” xa xôi trong những góc núi cũng lôi kéo làn sóng di dân tìm cuộc đổi đời.
Trung Mang nhanh chóng trở thành một thị tứ với đủ các loại hình dịch vụ, sầm uất hơn nhiều so với trung tâm huyện lỵ đặt ở thị trấn Prao lúc bấy giờ. Chợ mọc ngay ngã ba, trở thành “đầu mối” cho cả một vùng mênh mông về phía tây, nơi ở của đồng bào bản địa.
“Muôn loại hàng hóa, từ thực phẩm, tiêu dùng đến cả các loại phụ tùng máy móc đều có thể dễ dàng tìm thấy tại Trung Mang, nên sầm uất là đương nhiên. Lúc nào cũng ồn ã, từ sáng tới khuya, điều gần như rất hiếm có ở các thị tứ nhỏ vùng núi thời bấy giờ. Phần nữa là nhu cầu tiêu dùng của lao động nhập cư cũng rất cao, nên dịch vụ theo đó mà phát triển từ khá sớm, với giá cả ít nhiều đắt đỏ hơn” - ông Khanh kể.
Từng là một trong hai “thủ phủ chè xanh” của Quảng Nam, nông trường chè Quyết Thắng thời ấy gần như phủ kín thung lũng Trung Mang bằng những nương chè. Bạt ngàn chè, từ những nương dài bằng phẳng bên sông, bên suối, đến hàng chục quả đồi hình bát úp, lúp xúp nối tiếp nhau.
Thế hệ công nhân đầu tiên của nông trường gắn cả cuộc đời mình với miền đất, với những thăng trầm biến thiên của Trung Mang, đều nhắc nhớ thời hưng thịnh kéo dài suốt những năm cuối thế kỷ trước.
Họ chung một miền hồi ức phía những nương chè, chung những tháng năm sôi nổi. Bụi đỏ, đặc sản của con đường độc đạo từ Đà Nẵng lên Trung Mang và cả những con đường liên thôn, liên xã, cuộn lên trong trí nhớ như chỉ dấu của miền cao, thời Trung Mang được gọi tên như một miền đất mới đầy sinh khí…

Cảnh sắc còn nguyên sơ cùng với các giá trị bản địa đang là tiềm năng để đánh thức kỳ vọng du lịch ở Trung Mang.
Cảnh sắc còn nguyên sơ cùng với các giá trị bản địa đang là tiềm năng để đánh thức kỳ vọng du lịch ở Trung Mang.
Chờ cuộc hồi sinh
Vùng cao đã khác. Rõ rồi, đường sá thảm nhựa thênh thang, làng quê đổi thay nhiều cùng “nông thôn mới”. Nhưng đâu đó, trong tâm thức của những người cũ, người ở lại, vẫn là niềm tiếc nuối khi suốt nhiều năm dài, Trung Mang vụt mất đi những sôi động đã từng hiện diện, chỉ còn lặng lẽ như một thị tứ “chuyển tiếp” từ Đà Nẵng lên vùng cao Đông Giang, Tây Giang.
Nhiều người lý giải, rằng khi cây chè dần biến mất theo cơ chế thị trường, nông trường thu hẹp “tầm ảnh hưởng” lẫn diện tích đáng kể, chỉ còn vài phần so với trước, đời sống của thị tứ theo đó mà lắng lại với chật vật chung của đời sống dân nhập cư. Những “bãi vàng thổ phỉ” cũng đã tan, thị tứ bước qua vai trò của một trung tâm dịch vụ sầm uất, trở về trầm yên. Chậm lại, mà gần như dừng lại.
Cư dân thị tứ đã chờ đợi quá lâu để cánh cửa khác mở ra, cho chính mình và miền đất Trung Mang, với hy vọng những lấp lánh sôi động một thời được dịp thức dậy. Cánh cửa mang tên du lịch. Quả thực, với cảnh sắc hiện có, với hạ tầng giao thông đã kết nối rất tốt trong phạm vi liên vùng, người ta có lý do để kỳ vọng.
Ngay sát đó thôi, nơi chỉ cách Trung Mang chừng chục cây số, những điểm đến dọc Hòa Phú (Đà Nẵng) đã sáng lên trên bản đồ “check in” của dân du lịch. Ngước nhìn về phía đông, là khu du lịch Bà Nà trên đỉnh Núi Chúa như một tòa lâu đài khổng lồ.
Từng có một dự án triển khai quy hoạch đầu tư, thêm niềm tin cho sự đợi chờ của dân bản xứ, nhưng rồi mọi thứ lặng lẽ quay về nơi xuất phát. Phía trên kia, cách đó vài chục cây số, Cổng Trời - một khu du lịch sinh thái tầm cỡ đã mở. Vẫn chưa có gì nhiều để níu chân du khách khi ngang qua Trung Mang, ngoài những đồi chè nhỏ nhoi còn sót lại.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh nói, tiềm năng của Trung Mang nói riêng, của Đông Giang nói chung đã đến lúc “chín muồi”, điều quan trọng là có những tính toán kịp thời để đánh thức, khai mở cơ hội mới cho cả vùng đất.
“Địa hình đẹp, vị trí gần với TP.Đà Nẵng là một trong những điểm cộng để kêu gọi đầu tư, xúc tiến du lịch sinh thái, tính toán sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Hy vọng những dự án sắp tới sẽ mang đến sinh khí mới, sự phát triển mới cho nơi này” - ông Lê Trí Thanh nhận định.
Bụi đỏ đi rồi. Nhưng người ta vẫn hy vọng bao rộn ràng trở lại. Để thị tứ một lần nữa sôi động như nó đã từng. Để có thể tìm thấy cơ hội mới, cơ hội khác cho miền đất, sau quá lâu chờ đợi.
Theo THÀNH CÔNG (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.