Bóng đá trở lại với nhiều âu lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các giải bóng đá chuyên nghiệp như Giải bóng đá vô địch quốc gia LS V.League 1-2020, Giải bóng đá hạng nhất và Cúp Quốc gia 2020 đã phải hoãn lại vì sự an toàn cho cầu thủ, huấn luyện viên, người hâm mộ và đang dự kiến trở lại thi đấu trong tháng 9 và tháng 10. Có điều, không như hồi tháng 3, quyết định lần này của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) dự báo rất nhiều khó khăn mà bóng đá nước ta sẽ đối mặt.

Đội tuyển U22 Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31 trong đợt tập trung vừa qua.
Đội tuyển U22 Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31 trong đợt tập trung vừa qua.
Năm nay, các giải bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta khởi tranh ngay từ đầu tháng 1, không lâu sau khi đội U23 Việt Nam giành Huy chương vàng SEA - Games 30. Cũng dễ hiểu vì chúng ta đều hy vọng sẽ có một mùa giải thành công nhờ cơn sốt từ đội bóng của huấn luyện viên Pắc Hang-xo. Thế nhưng, giống như nhiều giải đấu ở nhiều quốc gia trên thế giới, lịch thi đấu của các giải bóng đá chuyên nghiệp nước ta đã kéo dài hơn bình thường vì dịch Covid-19, khiến mọi hoạt động thể thao và bóng đá bị ngưng trệ.
 Đến đầu tháng 3, khi dịch bệnh tại Việt Nam phần nào được khống chế, các giải đấu tiếp tục được tổ chức nhưng, chỉ sau hai vòng, V.League 1 một lần nữa hoãn giải vì dịch Covid-19 có những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, trước khi trở lại vào đầu tháng 6 vừa qua. Như đã biết, vào thời điểm này, Việt Nam rất thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh, với hơn ba tháng liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhờ đó, từ Cúp Quốc gia đến V.League 1 rồi hạng nhất quốc gia, các sân cỏ đầy ắp khán giả, đưa bóng đá Việt Nam trở thành niềm tự hào của một trong số ít quốc gia đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội, dần khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.
 Và không chỉ có bóng đá, nhiều môn thể thao khác cũng được tổ chức, trong đó đáng chú ý là Giải bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 38 diễn ra ở TP Hồ Chí Minh trong tháng 7. Để so sánh thì tại châu Âu, các giải vô địch bóng đá ở nhiều quốc gia được tổ chức lại trong những sân đóng kín cửa, trong khi giải vô địch quy mô thế giới đầu tiên và duy nhất cho đến nay diễn ra thời Covid-19 là Giải đua xe Công thức 1 cũng được tổ chức mà không có khán giả. Chính vì những điều này mà các nhà tổ chức và người hâm mộ đều hy vọng Việt Nam mà cụ thể là Hà Nội có thể đăng cai một chặng đua của Giải đua xe Công thức 1 vào tháng 11 tới.
 Thế nhưng, một lần nữa, đại dịch Covid-19 khiến bóng đá và thể thao Việt Nam bị đảo lộn khi sau V.League 1, hạng nhất và Cúp Quốc gia 2020 lại phải hoãn lại vì những diễn biến phức tạp với nhiều ca lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng và một số địa phương xuất hiện vào cuối tháng 7.
 Trước tiên là V.League1. Những tưởng giải đấu có thể kết thúc với thể thức giai đoạn hai từ ngày 5-6 đến 25-10 thì nay việc hoãn lại và dự kiến thi đấu trở lại trong tháng 9 và tháng 10 khiến một số đội thậm chí đã đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF hủy giải, rồi trao danh hiệu vô địch cho đội hiện đang dẫn đầu bảng xếp hạng sau 11 vòng là Sài Gòn FC.
 Dễ thấy rằng, việc trì hoãn giải lần này vì sự bùng phát mạnh và nhanh của Covid-19 từ Đà Nẵng đã làm đảo lộn kế hoạch tập luyện, thi đấu của các đội, cũng như ảnh hưởng đến tài chính của họ, trong đó có việc thu nhập của cầu thủ trong thời điểm hoạt động kinh doanh của ông bầu, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
 Về Cúp Quốc gia 2020. Giải đấu này dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 8 nhằm tận dụng khoảng thời gian V.League 1 tạm hoãn, nhưng vòng tứ kết của giải cũng bị lùi vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Và giống như V.League 1, các trận đấu của Cúp Quốc gia có được tổ chức hay không hiện còn phụ thuộc vào tình hình chúng ta ngăn chặn dịch Covid-19 như thế nào.
 Nếu cho rằng, Liên đoàn Bóng đá Đông - Nam Á đã quyết định hoãn giải AFF Cup 2020 sang tháng 4-2021, cho nên V.League 1, giải hạng nhất và Cúp Quốc gia sẽ có nhiều thời gian tổ chức thi đấu hơn vì kế hoạch dành cho đội tuyển Việt Nam bị lùi lại thì không ai rõ khi nào các trận đấu mới có thể trở lại như giai đoạn hồi tháng 6 vừa qua, nhất là trong thời điểm công tác phòng, chống dịch bệnh bây giờ phức tạp, căng thẳng và quyết liệt hơn.
 Với bóng đá Việt Nam nói chung, việc hoãn AFF Cup 2020 sang tháng 4-2021 sẽ khiến lịch thi đấu của chúng ta trở nên phức tạp bởi năm 2021 có nhiều sự kiện bóng đá lớn. Nên nhớ rằng, bên cạnh các giải đấu của FIFA, Liên đoàn Bóng đá châu Á thì Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020, EURO 2020, Copa America 2020… đều được dời sang giai đoạn này. Riêng khu vực Đông - Nam Á, năm 2021 cũng là năm diễn ra SEA Games 31 do Việt Nam tổ chức, dự kiến từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 2021. Như vậy, nhiệm vụ cho bóng đá Việt Nam không chỉ là bảo vệ thành công tấm huy chương vàng SEA Games 30 mà chúng ta cũng phải giữ được chức vô địch AFF Cup một lần nữa. Và sức ép sẽ càng lớn hơn cho đội tuyển và huấn luyện viên Pắc Hang-xo là các trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 trong năm 2020 đã bị lùi tiếp sang năm 2021.
 Vẫn biết chúng ta có lợi thế lớn hơn các quốc gia khác là sẽ tổ chức lại V.League 1, giải hạng nhất và Cúp Quốc gia thời gian qua, giúp các tuyển thủ quốc gia được ra sân nhiều hơn, trong lúc huấn luyện viên Pắc Hang-xo có thể đánh giá phong độ của từng người, nhưng điểm rơi phong độ của đội tuyển trong năm 2020 sẽ khác năm 2021. Như thế, sẽ rất khó để ông Pắc Hang-xo có thể vừa thành công ở AFF Cup, vòng loại World Cup 2022, vừa giúp đội tuyển bảo vệ tấm huy chương vàng đã giành được tại SEA Games 30.
 Thiết nghĩ, VFF và VPF nên sớm có kế hoạch và phương án cụ thể và phù hợp cho các giải bóng đá chuyên nghiệp để có thể tập trung cho các đội tuyển, thay vì ngồi chờ diễn biến của dịch bệnh vì tình hình hiện tại đã rất khác so với cách đây vài tháng. Ưu tiên số một vẫn là sự an toàn của cầu thủ, huấn luyện viên và người hâm mộ nhưng chúng ta cũng cần tính đến những bước đi dài hơn cho năm 2021.
HÀ THU (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

Sức sống từ thể thao đô thị

Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

(GLO)- Ngày 21-9, Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai đã diễn ra tại sân bóng đá trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai. Giải được tổ chức nhằm phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

(GLO)-

Rạng sáng 15-9, hơn 1.500 chân chạy đã đồng hành trong giải chạy thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”. Các runner không chỉ được thỏa sức chinh phục cung đường đẹp như mơ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), mà hơn cả còn chung tay tiếp sức cho các em học sinh vùng khó.