Bộ Y tế khuyến cáo phòng-chống bệnh tay chân miệng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khi dịch bệnh sởi có dấu hiệu giảm thì lại xuất hiện những ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bệnh tay chân miệng năm nay xuất hiện sớm hơn mọi năm và có nguy cơ tăng trong dịp nghỉ lễ 30-4, mùng 1-5 do giao lưu, đi lại tăng cao.
 

 

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành có số mắc cao và tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, tiếp đến là Đak Lak và Kon Tum.

Còn tại miền Bắc, bệnh nhi tay chân miệng đang xuất hiện rải rác tại các bệnh viện: Nhi Trung ương, Bạch Mai và Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi tuần, tiếp nhận khoảng vài chục ca đến khám và điều trị.

Tiến sỹ Bùi Vũ Huy-Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm và có xu hướng tăng lên ở miền Bắc.

“Ở miền Nam, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện nhiều vào tháng 3 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 10. Ở miền Bắc trước đây thường có đỉnh dịch từ tháng 5 đến tháng 6 nhưng mấy năm gần đây cũng có 2 đỉnh dịch giống miền Nam. Đáng lo nhất là trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 giao lưu đi lại tăng cao nên mầm bệnh di chuyển từ vùng nọ sang vùng kia, vì vậy phải đề phòng lây nhiễm dịch bệnh ngay từ bây giờ”, Tiến sĩ Bùi Vũ Huy khuyến cáo.

Tay chân miệng là bệnh lành tính, tỉ lệ biến chứng thấp nhưng lây lan khá nhanh trong cộng đồng, gây nên dịch lớn. Một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não- màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân tay chân miệng thường sốt dưới 38,5 độ và dưới 2 ngày; trường hợp không có biến chứng nên điều trị ở nhà.

“Việc lây lan bệnh tay chân miệng giống việc lây truyền bệnh bại liệt, đó là lây qua đường ăn uống, tiêu hóa. Việc phòng bệnh duy nhất là vệ sinh bàn tay cho trẻ, khử khuẩn các đồ chơi, dụng cụ, nhà cửa, càng đảm bảo vệ sinh cá nhân thì càng tốt. Những người chăm sóc trẻ (các bà mẹ, cô giáo, người giúp việc) càng thực hiện các biện pháp vệ sinh thì càng tốt”, Tiến sĩ Trần Đắc Phu nói.

Ở Việt Nam, mỗi năm có từ 100.000-150.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó khoảng 30-40 trường hợp tử vong. Dấu hiệu của những bệnh nhân nặng cần nhập viện ngay là sốt trên 38,5 độ, sốt liên tục trên 2 ngày, bệnh nhân mệt mỏi, li bì, chân tay run, giật và khi xét nghiệm thấy bạch cầu hoặc tiểu cầu tăng.

Trước tình hình bệnh nhân tay chân miệng xuất hiện sớm hơn mọi năm, Bộ Y tế khuyến cáo: Bệnh tay - chân - miệng là một bệnh do virus gây nên, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Để phòng bệnh cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Quản lý phân: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

(GLO)- Dốc toàn tâm toàn lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng chỉ vì một vài lý do khách quan nào đấy, các bác sĩ, nhân viên y tế lại bị chính bệnh nhân hay người thân của họ hành hung. Đấy là nỗi ám ảnh mà những ai từng trải qua sẽ không thể nào quên.
Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Thấy chùm quả lạ, 5 em nhỏ đã hái và chia nhau ăn. Ngay sau khi ăn chùm quả lạ này, các em xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn. Quả lạ gây ngộ độc được xác định là hạt thầu dầu. Độc tố trong hạt thầu dầu được xác định rất độc, trẻ em ăn 3 – 4 quả thậm chí có nguy cơ tử vong.
Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Ban đầu chỉ từ các triệu chứng lo lắng, đau đầu nhiều, sốt cao liên tục, khó tiếp xúc, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh viêm não hiếm gặp. Bệnh nhân trải qua thời gian nằm viện, điều trị dài kỉ lục, với gần 5 tháng quyết tâm, không nản lòng của cả thầy thuốc, thân nhân đã mang lại sự hồi phục cho cô gái trẻ.
Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não là một thuật ngữ thường dùng để mô tả một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương một hoặc nhiều vùng của não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi trước, trong hoặc sau sinh một thời gian ngắn hay trong thời kỳ trẻ nhỏ.
Hạ cholesterol từ bí đỏ

Hạ cholesterol từ bí đỏ

Cholesterol tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch. Dùng nước uống từ bí đỏ có tác dụng kiểm soát cholesterol.
Những thầy thuốc tận tâm với nghề

Những thầy thuốc tận tâm với nghề

(GLO)- Bằng tấm lòng thương yêu người bệnh, các cán bộ y tế xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) đang ngày ngày cần mẫn giúp đồng bào nghèo nơi đây xua đuổi bóng ma bệnh tật và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.
An Khê: Hơn 200 người hiến máu tình nguyện

An Khê: Hơn 200 người hiến máu tình nguyện

(GLO)- Sáng 28-5, Ban Vận động hiến máu tình nguyện thị xã An Khê phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thị xã và Khoa Huyết học-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ hiến máu tình nguyện lần thứ I năm 2017.
Gia Lai nỗ lực dập tắt sốt xuất huyết

Gia Lai nỗ lực dập tắt sốt xuất huyết

(GLO)- Bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn còn dai dẳng ở một số địa phương trong tỉnh Gia Lai nên ngành Y tế đang cùng các cấp chính quyền tập trung xử lý để dập tắt hoàn toàn SXH, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân.
Quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân

Quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân

(GLO)- Thời gian qua, tập thể cán bộ Trạm Y tế xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Phát hiện thuốc tim mạch Vastarel giả

Phát hiện thuốc tim mạch Vastarel giả

Ngày 19-4, Cục Quản lý dược cho biết, văn phòng đại diện tại Hà Nội của Công ty Les Laboratories Servier mới đây đã gửi báo cáo kèm theo kết quả điều tra, phân tích hóa học, đặc điểm nhận biết về thuốc giả mang tên Vastarel 20mg, số đăng ký VN-16510-13, số lô sản xuất: 929852, vỉ 30 viên, trên nhãn ghi mạo danh nhà sản xuất là Công ty Les Laboratories Servier - France.