“Xe cứ lăn bánh trên đường thì phải nộp phí. Việc thu phí lưu hành nhằm nhiều mục tiêu như: Hạn chế xe cá nhân, đầu tư nâng cấp và cải tạo hạ tầng giao thông, chi để thực hiện các giải pháp chống ùn tắc… Phải nộp phí mới được đi xe”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3-1.
Một trong những vấn đề nóng trong buổi làm việc là đề xuất của Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Trong đó quy định mức phí cao nhất đối với ô tô là 50 triệu đồng và mô tô là 1 triệu đồng.
Nhiều ý kiến “chất vấn” Bộ trưởng Thăng về khoản thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân sau thực thu liệu có giảm tai nạn và ùn tắc giao thông? Với giải pháp này thì bao lâu nữa sẽ giảm được ùn tắc, tai nạn giao thông? Phương tiện giao thông phải chịu nhiều loại phí như hiện nay liệu có dẫn tới lạm thu?...
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. |
“Hàng năm ngành giao thông có nhiều giải pháp giảm tai nạn, hạn chế ùn tắc, nhưng tai nạn vẫn nhiều, ùn tắc vẫn phổ biển, nên phải có biện pháp mạnh mẽ, bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ, trong đó có đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân”- Bộ trưởng Thăng nói.
Về những câu hỏi thắc mắc cho rằng liệu loại phí lưu hành này có phải là 1 cách gọi khác của phí bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Thăng khẳng định hoàn toàn không phải. Trên thế giới nhiều nước đã áp dụng thu các loại phí nhằm mục tiêu chống ùn tắc và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông như: Anh, Mỹ, Singapore, Thụy Điển…
Theo phân tích của người đứng đầu ngành giao thông thì phí lưu hành là loại phí bắt buộc từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm đối với tất cả những người sử dụng phương tiện cá nhân trên cả nước, trong đề xuất trình Chính phủ của Bộ GTVT còn có phí đi vào trung tâm trong giờ cao điểm- loại phí này sẽ do từng địa phương quy định mức thu cụ thể.
Điều này có nghĩa là trong 1 đề xuất này, mỗi phương tiện là ô tô và xe máy sẽ phải nộp 2 lần phí trong tương lai thì mới đáp ứng những điều kiện cần và đủ để được phép lưu thông theo nhu cầu đi lại của mình.
Trước nguy cơ phí chồng phí “đội” lên đầu người dân, khi đã có Quỹ bảo trì đường bộ, phí trước bạ, phí môi trường, giờ lại thu thêm phí lưu hành, Bộ trưởng Thăng cho rằng, sẽ không có chuyện chồng chéo, thu phí như vậy để đảm bảo công bằng xã hội, người đi xe máy, ô tô phải có đóng góp để đầu tư hạ tầng. Phí bảo trì đường bộ dùng cho duy tu đường hàng năm, các Bộ đã thống nhất, giờ chỉ chờ Chính phủ ký thông qua. Dù có ban hành, Quỹ bảo trì đường bộ cũng chỉ đáp dứng khoảng 75% chi phí bảo trì, phần còn lại Chính phủ vẫn phải hỗ trợ.
“Xe máy chủ yếu là của người nghèo, nên Bộ chỉ đề xuất có 500.000 đồng/năm. Còn xe máy trên 175 phân khối rất ít người sử dụng, thường chỉ dành cho dân chơi, còn người bình thường không đi xe như vậy, nên phí cho lại xe này áp dụng cao hơn gấp đôi (1 triệu đồng/năm)”- Bộ trưởng Thăng lý giải.
Về vấn đề sử dụng phí lưu hành, Bộ trưởng Thăng cho biết số tiền thu phí sẽ nộp ngân sách nhà nước và chi cho các dự án được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo Bộ trưởng Thăng, việc thu phí sẽ có phân cấp, với ô tô sẽ thu phí qua các lần đăng kiểm phương tiện, sẽ do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện; với xe máy sẽ do các tỉnh thực hiện, phương thức thực hiện, mức phí sẽ do Hội đồng Nhân dân các tỉnh/thành phố tự quyết. Trường hợp chủ phương tiện không nộp phí lưu hành thì sẽ không được đi xe trên đường.
Trước đó, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phương án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Đề xuất này ngay sau đó đã “vấp” phải những ý kiến phải hồi đa phần là không đồng tình của người dân và giới chuyên môn trong lĩnh vực giao thông về khoản phí được gọi là lưu hành.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng khẳng định, thông điệp ngành giao thông năm 2012 là hành động, hành động và hành động nên không thể nói các giải pháp mà không hành động được. Quan điểm của Bộ Giao thông là khẩn trương quyết liệt và hiệu quả.
Theo Dantri