Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng 2020.
Thách thức lớn từ Thái Lan, Brunei và Indonesia
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau bốn năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta năm 2017 được cải thiện đáng kể.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế. Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm 2016. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua.
Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước đến nay.
Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất từ vị trí thứ 3 năm 2016. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 51, vượt Thái Lan.
Ngoài ra, trong năm 2017, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập gồm Moondy’s và Fitch đã nâng xếp hạng triển vọng của Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực.
Mặc dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn thiếu tính bền vững bởi còn có chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách, hoặc cải cách chậm.
Chẳng hạn như, hiệu quả thị trường hàng hóa nhiều năm chưa có cải thiện, suy giảm ở hầu hết các chỉ số thành phần. Đáng chú ý, mức độ cạnh tranh, hiệu lực của chính sách chống độc quyền kém, môi trường kinh doanh không thuận lợi...
Chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục ít cải thiện. Trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ có cải thiện song còn chậm.
Đặc biệt, một số chỉ số về môi trường kinh doanh vẫn xếp cuối bảng như khởi sự kinh doanh thứ 123; Phá sản doanh nghiệp thứ 129. Trụ cột về thể chế có cải thiện nhưng còn chậm và nhiều rào cản với doanh nghiệp.
"Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 6 về xếp hạng năng lực cạnh tranh và thứ 5 về môi trường kinh doanh. Những năm gần đây, Indonesia, Brunei và Thái Lan liên tục có mức cải thiện nhanh và mạnh mẽ hơn chúng ta. Đây là thách thức và đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn", báo cáo nêu rõ.
Nêu tên 4 tỉnh
Cũng trong báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 19/2017 của các Bộ, ngành và địa phương.
Bộ này cho hay, đối với địa phương, nhìn chung chất lượng báo cáo đã cải thiện. Nhiều địa phương đã nhìn nhận nghiêm túc tồn tại, hạn chế từ đó tìm giải pháp cải cách từ địa phương.
Tuy nhiên, còn khoảng 10 địa phương có báo cáo chung chung, không bám sát Nghị quyết 19 hoặc không đánh giá kết quả như: Nghệ An, Bình Phước, Kiên Giang, Nam Định, Đắc Nông, Bạc Liêu, Hòa Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Cao Bằng, Quảng Bình.
Báo cáo lưu ý, bốn tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Cao Bằng, Quảng Bình những năm qua không có sự quan tâm, cải thiện nào về xây dựng chương trình hành động cũng như báo cáo thực hiện Nghị quyết 19.
Đáng chú ý là Hưng Yên, Nam Định, Cao Bằng, Quảng Bình những năm qua không có sự quan tâm, cải thiện nào về xây dựng chương trình hành động cũng như báo cáo thực hiện Nghị quyết 19.
"Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm của lãnh đạo địa phương trong việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị đưa ra giải pháp, trong đó, nhấn mạnh các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố coi Nghị quyết 19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ này.
Các bộ, ngành khẩn trương rà soát, kiến nghị cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1-2018.
Kiều Linh/baomoi