Đến năm 2025, dự án đường Hồ Chí Minh sẽ cơ bản hoàn thành, nối thông tuyến với tổng chiều dài dự án 2.744km để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
|
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Nhấn mạnh đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng, có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, xóa đói giảm nghèo, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu sớm hoàn thành 171km còn lại của tuyến đường mang tên Bác để nối thông toàn tuyến từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau).
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo các Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2025, dự án đường Hồ Chí Minh sẽ cơ bản hoàn thành, nối thông tuyến với tổng chiều dài dự án 2.744km, quy mô tối thiểu 2 làn xe trên cơ sở sử dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21.
Tính đến nay, dự án đã hoàn thành 2.362km (đạt 86,1%) và khoảng 258km tuyến nhánh, đang triển khai 211km (đoạn Đoan Hùng-Phú Thọ và Cam Lộ-La Sơn đang được thi công; đoạn Hòa Liên-Tuý Loan và Chơn Thành-Đức Hòa đang chuẩn bị đầu tư).
Đối với khoảng 171km còn lại, thực hiện Nghị quyết số 63/2022 của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang tiếp tục giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Cụ thể, dự án đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn dài 28,5km đã trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang hoàn chỉnh thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng qua khu vực các tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang.
Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2022; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 3/2023. Thời gian khởi công dự kiến vào quý 4/2023 và hoàn thành dự án vào quý 4/2025.
Dự án thành phần đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận dài 55km, Ban Quản lý dự án đã hoàn thiện, trình Bộ Giao thông Vận tải thực hiện công tác thẩm định nội bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải đưa ra mục tiêu của dự án là được phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 9/2022; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 3/2023; khởi công dự án vào quý 4/2023, hoàn thành năm 2025.
Dự án thành phần còn lại là đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến dài 87,5km, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (dự kiến sẽ được hoàn thành năm 2023) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư.
Đề cập đến việc bố trí vốn cho dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết giai đoạn năm 2021-2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải. Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương 1.600 tỷ đồng thực hiện đoạn Đoan Hùng-Phú Thọ (thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ). Riêng 3 dự án thành phần còn lại, tổng mức đầu tư cần khoảng 10.770 tỷ đồng.
Hai dự án thành phần đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận tổng mức đầu tư khoảng 5.570 tỷ đồng, nhu cầu vốn để cơ bản hoàn thành năm 2025 khoảng 4.450 tỷ đồng.
Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận và điều chỉnh, bổ sung danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Để đảm bảo cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư hai dự án thành phần ưu tiên nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rà soát, cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, hạn chế tối đa việc sử dụng dự phòng, chi phí trượt giá; xem xét giãn tiến độ triển khai đối với một số dự án mới chưa quá cấp thiết.
Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.
Dự án đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2010 với tổng chiều dài 3.183km, tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía tây dài 684km; đi qua 28 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư toàn dự án 99.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2013, Quốc hội thông qua Nghị quyết 66 điều chỉnh một số nội dung, trong đó lùi thời điểm thông xe toàn tuyến tới năm 2020. Giai đoạn sau năm 2020 sẽ nâng cấp một số đoạn theo chuẩn cao tốc. |
Theo Việt Hùng (Vietnam+)