(GLO)- Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Như cây một gốc, như con một nhà” nhằm tôn vinh, nhân rộng mô hình “Gắn kết hộ” giữa công nhân người Kinh của Binh đoàn 15 với bà con các dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Kon Tum, do Binh đoàn 15 phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào đêm 18-12 tại Nhà Văn hóa Binh đoàn 15 là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 22 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Ngọn lửa đêm giao lưu
Mùa khô Tây Nguyên mặt trời đi ngủ sớm sau những cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn xanh tốt. Đêm Tây Nguyên trời se lạnh, ngồi bên nhau một cảm giác nồng ấm.
Đêm giao lưu càng thêm nồng ấm và có ý nghĩa hơn bởi sự có mặt của các đồng chí: Bùi Văn Cường- Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang- Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Anh hùng lực lượng vũ trang, Tư lệnh Binh đoàn 15; Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên- Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, cùng đại biểu Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Quân khu 5, Binh đoàn Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh thuộc miền Trung và Tây Nguyên cùng với những điển hình của mô hình “Gắn kết hộ” giữa lao động người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở địa phương.
Niềm vui của công nhân khi gặp lại Tư lệnh Binh đoàn 15. Ảnh: Lê Quang Hồi |
Mô hình “Gắn kết hộ” đã ra đời từ chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; Đội sản xuất gắn với buôn, làng”. Từ 30 cặp hộ gắn kết buổi ban đầu năm 2006, đến nay đã có 4.276 cặp hộ gắn kết với nhau, trong đó có 1.956 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong các buôn làng không phải là công nhân, người lao động của Binh đoàn. Họ đến với nhau hoàn toàn tự nguyện, từ không quen biết đến thân tình “tối lửa tắt đèn có nhau”; từ giúp nhau làm cái chuồng gà, đến hỗ trợ vốn trồng tiêu, cà phê, cao su…
Họ là những mắt xích, là sự kết nối “đoàn kết dân tộc” giữa người Kinh với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, cuộc sống của hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình đã ổn định, nhiều gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm. Binh đoàn 15 đã trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Mô hình “Gắn kết hộ” chính là ngọn lửa giữa đại ngàn Tây Nguyên bùng sáng, lan tỏa nhanh củng cố tình đoàn kết anh em giữa người Kinh với bà con đồng bào dân tộc thiểu số”.
Thắm tình đồng chí, ấm tình anh em
Những người lao động, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số quanh năm chỉ biết trồng, chăm bón, khai thác cao su, cà phê… góp phần làm giàu cho “Tây Nguyên xanh”, chưa một lần biết đến “ánh đèn sân khấu”, nhưng hôm nay được ngồi giao lưu với nhau trước hàng trăm đại biểu và đặc biệt hàng triệu khán giả truyền hình trên cả nước (truyền hình trực tiếp), họ rất tự tin, rất mộc mạc, chân thật và hấp dẫn.
Đậu Văn Lành- Ksor Lương (Công ty 74); Nguyễn Thị Băng- Rah Lan Hê (Công ty 75); Kpui Then- Lê Đức Oánh (Công ty 72) và Rơ Mah En- Nguyễn Đàm Khoa (Công ty 715) là bốn cặp hộ gắn kết thực sự tiêu biểu, đại diện cho 4.276 cặp hộ gắn kết của Binh đoàn 15. Họ chính là những bông hoa đẹp của núi rừng Tây Nguyên về tình đoàn kết gắn bó Kinh- Thượng, thấm đẫm chất nhân văn “đồng chí-anh em”. Họ gắn kết với nhau hoàn toàn tự nguyện và những câu chuyện của họ cũng hết sức chân thật, rất hay, hấp dẫn và lay động lòng người. Theo Ksor Lương: “Hai gia đình chúng tôi đã gắn kết với nhau như anh em ruột thịt. Gia đình có công việc gì thì cùng nhau chia sẻ. Nhờ anh Lành hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây, cạo mủ cao su nên đồng tiền, hạt gạo cứ “chạy về” trong bồ, trong tủ. Mình giúp anh Lành và công nhân người Kinh hiểu biết thêm về văn hóa, phong tục… của người Jrai, Bahnar… Bà con mình ngày càng no cái bụng, tiền có nhiều họ đầu tư cho con cái đi học, xây nhà và mua sắm dụng cụ sinh hoạt gia đình. Sản phẩm đó là của tình đoàn kết anh em Kinh-Thượng, tình đồng chí đồng đội, tình anh em!”.
“Mình thực sự không ngờ lại có được như ngày hôm nay”-Kpui Then phấn khởi tâm sự. Ngày đầu mới làm quen với cây cao su, mình không biết làm gì hết. May nhờ có gia đình anh Lê Đức Oánh kết nghĩa, hướng dẫn cách cầm dao, mài dao và cạo mủ đúng kỹ thuật. Giờ thì không chỉ thành thạo kỹ thuật sản xuất cao su mà còn biết đầu tư, chăm sóc vườn nhà và chăn nuôi cũng phát triển. Lương bình quân của công nhân người dân tộc thiểu số trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người có thu nhập từ 7-10 triệu đồng như Ksor Tiên, Rah Lan Lim, Rơ mah Phen…”.
Nói về mô hình “Gắn kết hộ”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ- Chính ủy Binh đoàn 15 khẳng định: “Mang yếu tố khách quan và xuất phát từ yêu cầu thực tế, nên mô hình “Gắn kết hộ” đã và đang lan tỏa một cách sâu rộng; tình đồng chí, nghĩa đồng bào ngày thêm sâu nặng, hiệu quả thiết thực, góp phần làm giàu, làm đẹp cho Tây Nguyên. Những năm qua nếu không làm tốt công tác dân vận, mà cụ thể là thực hiện tốt mô hình “Gắn kết hộ” thì đơn vị không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh, từng bước tạo đà và đưa Tây Nguyên phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh”.
Ông Bùi Văn Cường- Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đã biểu dương Binh đoàn 15 chủ động đổi mới cách nghĩ, cách làm nâng cao chất lượng công việc, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Gắn kết hộ là mô hình sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, phù hợp với truyền thống, đạo lý Việt Nam “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thực hiện mô hình “Gắn kết hộ” đã góp phần củng cố và nâng cao sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hiệu quả không chỉ trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh mà còn có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc sẽ làm thất bại những âm mưu chia rẽ, kích động chống phá của các thế lực thù địch, đưa Tây Nguyên phát triển bền vững”.
Đồng chí Hà Sơn Nhin- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã nói: “Những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh ở Tây Nguyên hôm nay, có công sức đóng góp rất lớn của cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 15. Binh đoàn 15 thực sự là chỗ dựa vững chắc của bà con đồng bào các dân tộc. Thực hiện mô hình “Gắn kết hộ”, thực chất là làm công tác vận động quần chúng, dân vận khéo- dân vận tốt trong tình hình mới, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cùng Đảng vững niềm tin bước vào năm mới với những thắng lợi mới. Cảm ơn các báo: Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Lao động, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh- Truyền hình Gia Lai và Báo Gia Lai… đã đồng hành và đưa mô hình “Gắn kết hộ” lan tỏa trên mọi miền của đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Lê Quang Hồi