Binh đoàn 15: Góp phần xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng-an ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Binh đoàn 15 là đơn vị kinh tế-quốc phòng được thành lập ngày 20-2-1985 theo Quyết định số 68/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Nhiệm vụ chính trị của đơn vị được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao là: Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh (QP-AN), xây dựng dân cư-xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế tại hai nước bạn Lào, Campuchia, chủ yếu là sản xuất nông-công nghiệp, kết hợp kinh doanh tổng hợp các ngành như: Xây dựng cơ bản, dịch vụ thương mại, tập trung mũi nhọn là phát triển cây cao su, cà phê, từng bước tạo cho Tây Nguyên phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hóa-xã hội, QP-AN.

Hiện nay, các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn 220 thôn-làng của 33 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thị xã thuộc các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Bình, Attapeu- nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Rattanakiri-Vương quốc Campuchia. Trải qua 27 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, được sự đùm bọc, cưu mang của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trên địa bàn đứng chân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức-người lao động của Binh đoàn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về QP-AN.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang-Tư lệnh binh đoàn, lãnh đạo tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương gặp gỡ các hộ công nhân gắn kết tiêu biểu năm 2011. Ảnh: V.T
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang-Tư lệnh binh đoàn, lãnh đạo tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương gặp gỡ các hộ công nhân gắn kết tiêu biểu năm 2011. Ảnh: V.T

Những năm qua, trong bước đi của mình, Binh đoàn 15 đã trải qua nhiều thời kỳ gắn với quá trình phát triển của đất nước, có thể chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1990 với đặc trưng cơ bản của cơ chế bao cấp và giai đoạn từ năm 1991 đến nay với sự đổi mới mạnh mẽ theo tiến trình chung của nền kinh tế đất nước. Tuy mỗi giai đoạn có một đặc điểm, mỗi mô hình kinh tế đều có những thách thức nhưng Binh đoàn đã từng bước thích nghi và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong sản xuất và đời sống nhưng với ý chí quyết tâm, lòng nhiệt tình cách mạng, vững vàng trong gian khổ, thử thách, tập thể cán bộ, chiến sĩ-người lao động Binh đoàn đã vươn lên vừa hoàn thành tốt chỉ tiêu pháp lệnh được giao, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, giữ vững an ninh-chính trị, trật tự-an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân.

Bước sang giai đoạn hoạt động theo quy chế doanh nghiệp, việc chuyển hẳn sang chế độ hạch toán kinh doanh với đầy đủ các nghĩa vụ trong hoạt động kinh tế, lại cùng song song triển khai nhiệm vụ QP-AN và phát triển dân cư xã hội được xem là bài toán khó đối với Binh đoàn. Cuộc thử sức lớn giữa năng lực quản lý, điều hành với những khắc nghiệt của cơ chế thị trường, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã đề ra chủ trương và các giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo đảm từng ngành, từng lĩnh vực, từng công ty, xí nghiệp đều phát triển với những bước đi mạnh mẽ và vững chắc. Binh đoàn đã từng bước sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối, thực hiện theo cơ chế quản lý hai cấp, bỏ cấp trung gian theo hướng tinh, gọn và hiệu quả. Giữ vững cơ chế cấp ủy đảng lãnh đạo, phát huy vai trò giám đốc trong tổ chức quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh và người lao động làm chủ, thực hiện chế độ khoán sản phẩm, trả lương theo kết quả lao động. Đồng thời, đơn vị luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp, tích cực nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của người lao động đáp ứng với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Năm 2011, hoạt động sản xuất kinh doanh của Binh đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng đơn vị đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch được giao; doanh thu tăng 20% so với năm 2010, lợi nhuận tăng 20% so với năm trước (đứng thứ 2 toàn quân); trồng mới cao su 6.256 ha (diện tích trồng mới lớn nhất từ trước đến nay); tiền lương bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về diện tích, sản lượng, doanh thu và lợi nhuận, hàng loạt các công trình vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ dân sinh được xây dựng như các hồ đập, nhà máy thủy điện, nhà máy chế biến cao su, nhà máy chế biến cà phê, nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên địa bàn đóng quân; đầu tư làm mới, sửa chữa hơn 1.000 km đường giao thông liên thôn, liên xã, cùng địa phương xây dựng hệ thống lưới điện cao thế, trạm biến áp đến các buôn làng; xây dựng 8 trường tiểu học và trung học cơ sở với 93 phòng học, 10 trường mầm non, với 130 điểm trường; có 615 cô giáo, nuôi dạy hơn 5.000 cháu, xây dựng 1 bệnh viện và 9 bệnh xá, 1 trường trung cấp nghề, sửa chữa và làm mới hàng trăm nhà tình nghĩa và nhà chính sách.

Làm cầu treo giúp nhân dân xã Mo Ray, tỉnh Kon Tum. Ảnh: V.T
Làm cầu treo giúp nhân dân xã Mo Ray, tỉnh Kon Tum. Ảnh: V.T

Thực hiện chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, đến nay các công ty, đơn vị đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã, các đội sản xuất kết nghĩa với 220 thôn, làng; 4.276 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.276 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc về kinh tế, Binh đoàn đã có chính sách thu hút lao động, đặc biệt lao động là đồng bào các dân tộc địa phương. Với phương châm “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động và chăm lo về mọi mặt, từng bước cải thiện đời sống người lao động, tạo ra sự yên tâm gắn bó xây dựng Binh đoàn. Từ chỗ chỉ có gần 5.000 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ vào năm 1990, đến nay Binh đoàn đã có hơn 2 vạn lao động và hàng vạn nhân khẩu, được bố trí trên 10 cụm với hàng trăm điểm dân cư trên dọc biên giới. Đặc biệt, Binh đoàn đã thu hút được hơn 4.000 hộ với hơn 6.000 lao động là người các dân tộc tại chỗ vào làm công nhân hoặc nhận khoán vườn cây của Binh đoàn, tạo ra những nhân tố mới trong xây dựng buôn làng văn hóa, đẩy lùi nghèo nàn và các tập tục lạc hậu; đồng thời là hạt nhân đoàn kết, tích cực vận động cộng đồng giữ vững an ninh-chính trị và trật tự-an toàn xã hội tại địa phương.

Trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN, Binh đoàn đã thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên-người lao động tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, chủ động xây dựng, luyện tập các phương án tác chiến tại chỗ, phương án phòng thủ, bảo vệ an ninh, tham gia diễn tập với các đơn vị bạn, lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, lực lượng tự vệ mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ sản xuất, bảo vệ địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị bạn giữ vững an ninh-chính trị, trật tự-an toàn xã hội, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù.

Thành tựu trên là tổng hòa của các mối quan hệ, là hiệu quả lãnh đạo điều hành của Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Binh đoàn; là sự nhạy bén, sâu sát của các cấp quản lý, chỉ huy, là sáng tạo của tập thể người lao động; là sự xung kích đi đầu, sự vận động đoàn viên, hội viên của các tổ chức quần chúng... tạo thành sức mạnh để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

27 năm nhìn lại, vừa làm, vừa học, từ những bỡ ngỡ ban đầu, những thiếu hụt về kiến thức quản lý kinh tế, đến nay 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ kỹ thuật các cấp đều đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học các chuyên ngành tương ứng với nhiệm vụ được giao; phần lớn cán bộ cốt cán các cấp có trình độ đại học. Một thế hệ công nhân kỹ thuật có tri thức và chuyên môn được đào tạo, chất lượng người lao động đã được nâng lên... có thể nói đến nay Binh đoàn đã từng bước khắc phục được tình trạng bất cập về trình độ quản lý kinh tế và chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, công nhân tồn tại trong nhiều năm qua. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng những thành tựu khoa học-công nghệ mới vào sản xuất ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Binh đoàn.

Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với QP-AN trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên trong 27 năm qua, Binh đoàn đã được cấp trên trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt ngày 13-1-2003, Binh đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 3 tập thể cấp công ty được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ đổi mới và một cán bộ lãnh đạo của Binh đoàn hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ đổi mới. Vinh dự này không chỉ là niềm tự hào của Binh đoàn ngày hôm nay mà còn là thành quả công lao vun trồng, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và công nhân lao động cũng như các đơn vị tiền thân của Binh đoàn.

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ thị mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức-người lao động Binh đoàn nguyện phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường vượt qua những khó khăn, thử thách đang đặt ra để phát triển vững chắc trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa về chất của mô hình gắn phát triển kinh tế với QP-AN, quyết tâm xây dựng Binh đoàn 15 trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh của quân đội, đất nước; trở thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, góp phần cùng đồng bào các dân tộc biến mảnh đất Tây Nguyên trở thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước, là điểm sáng trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, là địa bàn vững mạnh về QP-AN.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang
Tư lệnh Binh đoàn

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.

Cán bộ cấp cơ sở của huyện Ia Grai nghe quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ảnh: T.N

Ia Grai chuẩn bị đại hội Đảng các cấp gắn với xây dựng hệ thống chính trị

(GLO)- Huyện ủy Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đảm bảo theo các chỉ đạo, quy định và hướng dẫn của cấp trên.