(GLO)- Sáng ngày 4-2, nhằm ngày mùng 5 Tết Giáp Ngọ, tại Bảo tàng Quang Trung ở làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, trên quê hương người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Đây là hoạt động, nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Tây Sơn Tam kiệt và các Văn thần Võ tướng đã lập nên chiến công oai hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước; đặc biệt, tôn vinh công tích lẫy lừng của Hoàng để Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Về dự lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định, lãnh đạo các huyện, thành phố; đại diện một số tỉnh, thành trong nước và hàng ngàn người dân Tây Sơn cùng khách du xuân.
Ảnh: Nguyễn Xuân |
Chương trình Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được mở đầu bằng Lễ thượng cờ Quang Trung và cờ Tổ quốc trong âm thanh hào hùng ngân vang của tiếng trống, tạo thành một nghi lễ độc đáo.
Diễn văn do đồng chí Lê Hữu Lộc-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đọc tại buổi lễ đã ôn lại truyền thống hào hùng cùng những chiến công hiển hách của phong trào nông dân Tây Sơn mà đỉnh cao là Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cách đây vừa tròn 225 năm, vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, đánh đuổi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng đất nước, thu giang sơn về một mối.
Ảnh: Nguyễn Xuân |
Trong tâm khảm của tất cả con dân nước Việt, hình ảnh vị anh hùng dân tộc lẫm liệt, thiên tài kiệt xuất quân sự - Hoàng đế Quang Trung đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp dưới cờ đại nghĩa, quét sạch giặc xâm lược khỏi bờ cõi, làm nên chiến thắng vĩ đại, thần tốc mùa xuân Kỷ Dậu bất diệt. Người và cuộc chiến đấu anh hùng của trăm họ Đại Việt mùa xuân Kỷ Dậu trở nên bất tử không chỉ nhờ những võ công chống xâm lược hiển hách mà còn sống mãi trong trái tim nước Việt hôm qua, hôm nay và mai sau, bởi lòng yêu nước vô bờ bến, sự quả cảm phi thường và nghệ thuật quân sự kết tinh trí tuệ, dũng khí Việt Nam qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước...
Mùa xuân Kỷ Dậu, một trong những mùa xuân vĩ đại nhất, đẹp nhất, đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử Việt Nam; là mùa xuân đoàn tụ của cả đất nước, có cánh mai vàng rực rỡ của mùa xuân phương Nam đoàn tụ bên màu đào tươi thắm của mùa xuân Thăng Long và miền Bắc.
Hơn 2 thế kỷ đã trôi qua, từ lòng dân Bình Định đến lòng dân cả nước khôn nguôi khâm phục, tưởng vọng những người anh hùng nông dân quật khởi, các tướng lĩnh oai hùng, tài hoa trong sự nghiệp của nhà Tây Sơn. Trên đất Bình Định và khắp đất nước hiện còn lưu dấu nhiều sự tích đẹp đẽ và những di tích quý báu về phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung được nhân dân luôn trân trọng, giữ gìn. Nhiều năm qua, nhân dân Bình Định đã đầu tư công sức giữ gìn, phát huy và tôn vinh các di sản văn hóa, các giá trị dân tộc tốt đẹp mà triều đại Tây Sơn cũng như anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ để lại.
Ảnh: Nguyễn Xuân |
Kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, là dịp để người dân Bình Định nói riêng và nhân dân cả nước nói chung ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn của vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, các tướng lĩnh triều đại Tây Sơn, các bậc tiền hiền, anh hùng, liệt sĩ xưa nay đã không tiếc xương máu để giữ gìn và xây dựng non sông gấm vóc, trao lại cho đời sau một dải núi sông tươi đẹp. Phát huy truyền thống, tinh thần, khí phách Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Điểm nhấn của Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là chương trình nghệ thuật có chủ đề: “Chiến thắng Đống Đa - bản hùng ca bất diệt đã khái quát cuộc đời và sự nghiệp của người Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, sự hiện diện của công chúa Ngọc Hân và bối cảnh cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Thanh và chiến thắng vang dội Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu 1789.
Chương trình nghệ thuật có 3 chương “Dựng cờ khởi nghĩa”; “Đại thắng quân Thanh - Giải phóng Thăng Long” và ‘Tiếp bước truyền thống oai hùng, Bình Định tự hào đi lên”. Chương trình này kéo dài khoảng 80 phút do các nghệ sĩ, diễn viên các Đoàn nghệ thuật cùng hàng trăm võ sinh tham gia thể hiện, biểu diễn võ thuật Bình Định và vào vai quần chúng nhân dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về cũng như khái quát những thành tựu phát triển kinh tế xã hội hiện nay của tỉnh Bình Định.
Trước đó, vào chiều ngày 4-2, nhằm ngày mùng 4 Tết Giáp Ngọ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hoa, dâng hương tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung và Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt ở Bảo tàng Quang Trung và Khu tâm linh Đàn tế trời đất để tưởng nhớ và tri ân công đức của Hoàng đế Quang Trung cùng các Văn thần, Võ tướng, nghĩa binh Tây Sơn đã lập nên chiến công oai hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, giữ yên xã tắc và cầu cho Quốc thái dân an, mọi người hạnh phúc.
Nguyễn Xuân