Bình Định: Người dân bức xúc vì mùi hôi khét từ lò đốt của công ty may

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian đốt thường vào buổi trưa và chiều tối, có khi vào ban đêm; khói, bụi bay vào nhà người dân gần đó và mùi hôi, khét bay xa gần 3km; một số người có con nhỏ phải chuyển đến nơi khác sinh sống.

Khu vực lò đốt của Công ty cổ phần may Tây Sơn gần sát một khu dân cư mới được xây dựng. Ảnh: TTXVN phát
Khu vực lò đốt của Công ty cổ phần may Tây Sơn gần sát một khu dân cư mới được xây dựng. Ảnh: TTXVN phát
Sinh sống bên cạnh Công ty cổ phần may Tây Sơn từ nhiều năm nay, gần 100 hộ dân thuộc khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định vô cùng bức xúc vì phải chịu mùi hôi, khét và khói bụi mỗi khi lò đốt của công ty này hoạt động.
Có mặt tại khu vực xung quanh công ty may Tây Sơn trong nhiều ngày qua, chúng tôi ghi nhận lò đốt tạo hơi để phục vụ cho việc duy trì sản xuất của công ty. Tuy nhiên, mùi hôi, khét bốc ra từ các cột khói khiến nhiều người dân sinh sống tại đây vô cùng khó chịu.
Khu vực lò đốt nằm ngay sát khu dân cư nhưng được che chắn tạm bợ bằng tôn cũ, rỉ rét; nhiều đoạn tôn được phá dỡ để khói, hơi bốc ra ngoài.
Chị Nguyễn Thị Tường Vi (khối Phú Xuân) sinh sống ngay sát lò đốt của công ty may Tây Sơn cho biết, từ nhiều năm nay, gia đình chị phải sống chung với mùi hôi, khét bốc ra từ lò đốt của công ty này.
Mỗi ngày, dù đi làm hay ở nhà, chị Vi vẫn đóng kín các cửa sổ, cửa chính. Tuy nhiên, khói, bụi vẫn bám vào các vật dụng trong nhà. Chị rất lo lắng về tình hình sức khỏe của gia đình mình khi phải thường xuyên tiếp xúc khói, bụi và mùi hôi, khét.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Linh Trang (khối Phú Xuân) cho biết mùi hôi, khét bốc ra từ lò đốt của công ty may Tây Sơn là do công ty này dùng các loại vải để đốt.
Thời gian đốt thường vào buổi trưa và chiều tối, có khi vào ban đêm; khói, bụi bay vào nhà người dân gần đó và mùi hôi, khét bay xa gần 3km; một số người có con nhỏ phải chuyển đến nơi khác sinh sống.
Khi phóng viên có mặt tại khu vực công ty may Tây Sơn để tìm hiểu sự việc, rất nhiều hộ dân đã đến phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Nhiều người tỏ ra vô cùng bức xúc vì tình trạng này diễn ra từ 5-6 năm nay nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Một số người dân cho biết đã từng phát hiện xe chở vải nhập về công ty này. Nhiều người còn cung cấp hình ảnh, video về lò đốt xả khói đen kịt cho cơ quan chức năng.
Ông Khổng Văn Cam (khối Phú Xuân) cho biết chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ lò đốt của công ty may Tây Sơn từ những năm đầu công ty đi vào hoạt động, ông đã cùng 50 hộ dân sinh sống tại đây viết đơn kiến nghị gởi đến Ủy ban Nhân dân huyện Tây Sơn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định.
Đến tháng 3/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có văn bản trả lời ông Cam và người dân với nội dung công ty may Tây Sơn trong quá trình hoạt động thường xuyên đốt vải và các chất nguy hại gây ô nhiễm môi trường; mặt khác công ty chưa áp dụng đầy đủ công nghệ xử lý khí thải lắp đặt tại lò hơi, chiều cao ống khói lò hơi còn thấp, chưa đảm bảo pha loãng khí thải ra môi trường xung quanh.
Ông Khổng Văn Cam bức xúc: “Mặc dù cơ quan chức năng xác định phản ánh của người dân là đúng và yêu cầu Công ty cổ phần may Tây Sơn có giải pháp khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường  trên vẫn diễn ra. Sau đó, tôi nhiều lần kiến nghị sự việc trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm khiến cuộc sống của tôi và nhiều hộ dân nơi đây vô cùng khó khăn.”

Khói đen bốc ra từ lò đốt của Công ty cổ phần may Tây Sơn. Ảnh: Tường Quân/TTXVN
Khói đen bốc ra từ lò đốt của Công ty cổ phần may Tây Sơn. Ảnh: Tường Quân/TTXVN
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Sơn cho biết trong biên bản cam kết bảo vệ môi trường của công ty may Tây Sơn, công ty sử dụng lò hơi với công suất 300kg/h để cung cấp nhiệt cho quá trình là ủi sản phẩm, nhiên liệu cho lò hơi chủ yếu là than đá và gỗ củi.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2021, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc công ty này đốt vải gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng huyện đã đến kiểm tra và bắt quả tang công ty thực hiện việc đốt vải (khối lượng đã đốt 3,7 tấn) thay vì đốt củi theo cam kết.
Ủy ban Nhân dân huyện Tây Sơn đã lập biên bản xử phạt hành chính công ty 35 triệu đồng và bàn giao khối lượng vải còn lại (gần 3 tấn) cho đơn vị xử lý chất thải rắn công nghiệp tiêu hủy theo quy định.
Ông Dũng thông tin thêm trước đó vào tháng 4/2017, Ủy ban Nhân dân huyện Tây Sơn cũng đã có văn bản đề nghị công ty may Tây Sơn thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất; trong đó yêu cầu công ty dừng việc đốt vải tại lò đốt vì các thông số kỹ thuật chưa phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật lò đốt chất thải công nghiệp.
Ông Dũng cho biết: “Vị trí của Công ty cổ phần may Tây Sơn rất gần với khu dân cư nên việc đốt lò nếu không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường sẽ gây ra bức xúc cho người dân. Khi người dân phản ánh thì chúng tôi xuống kiểm tra ngay, nếu tại nhà máy có lưu trữ vải để đốt thì sẽ xử lý theo quy định. Còn việc ô nhiễm không khí xung quanh nhà máy sẽ do một đơn vị độc lập quan trắc hằng năm. Năm 2021, các thông số quan trắc môi trường tại khu vực nhà máy của công ty này đều ổn.”
Hiện nay, để xác định Công ty cổ phần may Tây Sơn có gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường hay không chủ yếu dựa vào việc bắt quả tang công ty chứa vải để đốt lò. Trong khi đó, nhiều người dân đặt nghi vấn khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì công ty có thể đã tẩu tán số lượng vải chuẩn bị đốt.
Việc quan trắc môi trường cũng cần thực hiện thường xuyên, khách quan, có sự giám sát của cơ quan chức năng; nếu các thông số đảm bảo cần thông tin để người dân yên tâm, còn nếu không đạt tiêu chuẩn phải có giải pháp xử lý dứt điểm.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Sơn cho biết Công ty cổ phần may Tây Sơn đã nhiều lần bị nhắc nhở, xử phạt về việc đốt vải gây ô nhiễm môi trường. Nếu công ty tiếp tục sai phạm trong thời gian tới thì địa phương sẽ xử lý nghiêm.
Ủy ban Nhân dân huyện cũng đang tính toán phương án di dời công ty này đến nơi phù hợp hơn thay vì gần khu dân cư như hiện nay.
Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Công ty cổ phần may Tây Sơn để làm rõ những vấn đề liên quan đến phản ánh của người dân nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Theo Tường Quân (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.