(GLO)- Một buổi sớm cuối năm Nhâm Thìn, Pleiku còn trong sương, cái lạnh đủ để những người có tuổi ngại ra đường. Thế nhưng, cái ngại ấy không thể ngăn được người như tôi có thói quen luôn muốn xê dịch và đặc biệt là sự xê dịch ấy về phía làng buôn và miền biên giới xa xôi, ở đó có bà con các dân tộc thiểu số, có những người lính mang quân hàm xanh. Và tôi đã lên đường…
1. Cho dù đã qua năm Dương lịch tròn một tháng nhưng những thông tin của năm 2012 đến với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch từ Đại tá Dương Văn Trang-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vẫn cứ như còn nguyên mới. Một năm vô cùng khó khăn mọi bề, thế nhưng những gì đã làm được của quân dân Gia Lai cho một nền kinh tế giữ được tốc độ phát triển, xã hội bình yên, quốc phòng- an ninh giữ vững, đặc biệt là việc triển khai thực hiện chủ trương về cuộc chỉnh đốn Đảng với những nội dung cụ thể từ Nghị quyết Trung ương 4 vào những tháng cuối năm rồi.
Đại tá Dương Văn Trang chúc Tết cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Ảnh: B.H |
Đại tá Dương Văn Trang vui mừng bảo rằng, trong cái kết quả khả quan về những lĩnh vực “dân sự” ấy, phần “quân sự” mình đóng góp không nhỏ. Có bình yên nơi biên cương, có ổn định chính trị, có mạnh mẽ về xây dựng, nâng cao tinh thần cảnh giác và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt trong mọi tình huống của lực lượng mình thì mọi ngành, mọi nhà, mọi người mới yên tâm làm lụng, kinh tế mới phát triển. “Đơn giản thế nhưng không phải ai cũng biết và nhớ nằm lòng”, tôi chợt bảo mình như vậy khi cùng cán bộ chiến sĩ nơi đây trong một không gian ấm áp, nghiêm trang và với những câu “đáp từ không từ sách vở” của Trung tá Nguyễn Thanh Quảng-Đồn trưởng, cũng chỉ với những câu chân chất mà tôi thấy đủ sức tin cậy nơi người sĩ quan này về những gì anh nói với cấp trên.
Có mặt trong buổi gặp gỡ này, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Bùi Viết Hội “nhấn” thêm, rằng vùng biên trên địa bàn huyện và do các đồn biên phòng đang quản lý là vùng đất khó, bà con dân tộc Jrai sinh sống ở đây vẫn mới đó còn vất vả lắm, nhiều hộ còn thiếu thốn cái ăn cái mặc, nơi ở cũng chưa được chu toàn.
Thế nhưng mấy năm qua, khi thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, nhiều nhà, nhiều người đã nhận được cơ hội việc làm, đời sống khá lên rõ rệt, đặc biệt là những doanh nghiệp có đủ sức mạnh làm cao su theo tiêu chí vốn, kinh nghiệm và công tác dân vận thì người dân được nhờ… Tôi nghĩ, người dân được nhờ chính là sự phát triển, bởi dân giàu thì nước mới mạnh, và chắc chắn trong tương lai gần, Chư Prông, mà cụ thể là những xã vùng biên này sẽ giàu lên.
Nhớ mới cuối mùa mưa vừa rồi nhiều đoạn đường liên xã mà tôi đã có lần đi qua gần như bị hư hỏng hoàn toàn, thế mà giờ nó đã trở thành những cung đường cấp phối và thảm nhựa phẳng phiu tăm tắp, những ngôi nhà mới chen lẫn trong những vườn cà phê đang mùa hoa trắng xóa với một mùi hương ngất ngây lan tỏa và vun vút trôi qua cửa ô tô là những cánh đồng cao su bát ngát, xanh thăm thẳm một màu xanh chỉ riêng có của loài cây cho dòng nhựa trắng, đem lại ấm no cho bao người này.
Đường lên biên giới. Ảnh: B.H |
Tôi lại cứ vẩn vơ suy nghĩ từ những gì anh Hội nói. Hồi đầu bước vào thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su cũng không ít vấn đề nổi cộm, gạt bỏ chuyện lợi hại về môi trường sinh thái, về mất rừng và hiệu quả kinh tế của chủ trương này ra, cái mà mọi người lo lắng hơn là vấn đề xã hội, vấn đề con người. Và mọi chuyện sau 4 năm bắt tay vào làm giờ cũng đã dần đi vào quy củ, kinh nghiệm bước đầu đã cho thấy, ở đâu doanh nghiệp đứng về phía người dân và chính quyền địa phương thì gút mắc được tháo gỡ, và kết quả đem lại rất rõ ràng.
Đang trong mùa nắng gió khô hanh này mà những vườn cao su bạt ngàn đã phủ một màu xanh thay thế cho những cánh rừng khộp khô khốc ngày nào. Nhưng, vẫn theo Chủ tịch UBND huyện Bùi Viết Hội thì đi liền với những gì ta đang thấy về kết quả của sự “chuyển đổi” ấy là bất cập trong quản lý rừng, quản lý về an ninh trật tự, về an toàn xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có gần 30.000 ha cao su đã trồng từ rừng nghèo chuyển đổi thì Chư Prông đã sở hữu đến trên 18.000 ha, trong số đó nằm gần như chủ yếu ở các xã vùng biên được đầu tư từ 10 doanh nghiệp.
Nói lên điều đó để thấy rằng độ phức tạp của vấn đề trật tự an toàn xã hội. Có lẽ ngoài Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông thì thực tế bà con là người dân tộc thiểu số tại chỗ được tuyển chọn vào làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều, không đạt yêu cầu như mong muốn đặt ra.
Đại tá Dương Văn Trang đặc biệt lưu ý với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng về những chuyện cứ tưởng như rất “thường ngày” ở đồn, nhưng là những việc không thể dễ làm, cho dù lâu nay nó vẫn là chuyện của những người lính ở biên cương. Chắc tay súng gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc luôn là nhiệm vụ hàng đầu, thế nhưng để hoàn thành nhiệm vụ ấy, bao chuyện “hạng thứ” nữa không thể bỏ qua. Mối quan tâm đến lĩnh vực đời sống vật chất và tinh thần cho dân trong vùng, việc quan hệ với phía bạn bên kia biên giới, sự phối hợp chống lâm tặc, giữ rừng trong vành đai quản lý và chuyện cơm áo, sách vở… cho các chiến sĩ cũng là những chuyện suy cho cùng nó cũng chính là một loại “hậu phương” của người lính để họ chắc tay súng trên đường tuần tra ngày đêm nơi vùng biên Tổ quốc.
2. Có chung một niềm vui của cả cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng trong những ngày giáp Tết là, cho dù một năm qua đi với bao khó khăn về sự phát triển kinh tế, thế nhưng Tết này hậu phương vẫn dành cho các anh những gì có thể. Tôi hỏi vui với một chiến sĩ trẻ “cháu thấy thế nào” về sự chuẩn bị Tết năm nay của đơn vị, bạn ấy liền bảo “không thua kém năm ngoái chú ạ”- mừng thay! Chủ trương của tỉnh năm nay việc tổ chức thăm hỏi, chúc Tết các đơn vị gọn nhẹ, đơn giản, tiết kiệm nhưng không vì thế mà bớt đi sự chăm lo Tết cho những người lính nơi biên cương.
Nhiều ngành, nhiều địa phương bằng sáng kiến “người không đi nhưng quà Tết vẫn đến nơi nó cần đến”- Hội Cựu chiến binh tỉnh là một ví dụ, các anh có những món quà ấm nồng chất Tết đến với biên giới làm cho những người lính xúc động khi nghe Đại tá Dương Văn Trang nói thay lời chúc và trao món quà nhỏ ấy.
Và, tôi biết rất nhiều cơ quan thuộc các huyện kết nghĩa với các đồn biên phòng cũng bằng nhiều sáng kiến dù tiết kiệm nhưng những món quà Xuân vẫn đến được với cán bộ chiến sĩ đang trên biên giới xa xôi này. Thật vui thay, và ước gì trong mấy ngày Tết tới, nơi đầy nắng và gió này những người lính được cùng chung đón những người khách từ hậu phương-mà cũng không phải chuyện mới, tôi nhớ Giao thừa năm kia, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai Đỗ Ngọc Kỳ cùng với một đoàn nhà báo của mình đã chung một Giao thừa với chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp mà hôm nay đến thăm, các anh ở đây còn nhắc lại với tôi kỷ niệm vui chẳng thể nào quên ấy!
Bích Hà