Khi hệ tiêu hóa khỏe, cơ thể sẽ hấp thu đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết, từ đó, giúp các hạch bạch huyết nằm dọc hệ tiêu hóa phát triển.
Tiêu hóa là vấn đề cần quan tâm đầu tiên trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ vì trong những năm đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non yếu và dễ mắc bệnh. Tại Việt Nam, theo số liệu theo dõi của trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng, trên 19.388 trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (nôn trớ, táo bón, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, phân sống…) chiếm 47,2% trẻ dưới 5 tuổi. Các triệu chứng này sẽ khiến cơ bé không thể hấp thu tốt các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển về thể chất cũng như trí não, dẫn đến nguy cơ còi cọc, suy dinh dưỡng, suy giảm đề kháng và ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh trung ương. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, ngay từ giai đoạn đầu đời, bé cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và hoàn thiện hệ tiêu hóa tốt.
Khi hệ tiêu hóa khỏe, cơ thể sẽ hấp thu đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết, từ đó, giúp các hạch bạch huyết nằm dọc hệ tiêu hóa phát triển và đóng vai trò bảo vệ cơ thể, từng bước hoàn thiện đến 80% hệ miễn dịch ở trẻ. Ở giai đoạn đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ như của người lớn, các kháng thể của mẹ từ khi còn trong bào thai và nguồn sữa mẹ bị mất dần. Việc tăng cường miễn dịch chủ động chính là cách để trẻ chống lại sự tấn công bởi các vi trùng, vi rút gây bệnh.
Khoa học dinh dưỡng chuyên ngành cũng chỉ ra rằng, hệ tiêu hóa không khỏe sẽ làm đảo lộn môi trường sinh học trong lòng ruột, gây nên những rối loạn về miễn dịch, khiến trẻ dễ bị mắc bệnh về đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa, khó hấp thu dưỡng chất cho cơ thể và trí não. Khi bụng "vui", 100% năng lượng được sản sinh từ hệ tiêu hoá sẽ giúp bé tăng cường miễn dịch, khoẻ mạnh. Hệ tiêu hóa cũng đưa năng lượng và các dưỡng chất quan trọng đi khắp cơ thể, giúp trẻ khoẻ mạnh và phát triển tốt về thể chất và trí não.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh: hệ tiêu hoá khoẻ mạnh còn giúp cơ thể sản sinh ra các sentoronin hay còn gọi là các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó, gia tăng kết nối các xinap thần kinh tại não bộ. Điều này giúp trẻ hoàn thiện hệ thần kinh trung ương, tăng khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin hiệu quả hơn.
“Hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ, trong giai đoạn đầu đời thường non yếu, chưa có đủ lượng men cần thiết, đường ruột chưa hoàn thiện nên không tiêu hóa được đường lactose hoặc khó tiêu hóa đạm thường có trong sữa công thức khiến trẻ có thể gặp một số triệu chứng tiêu hoá như đau bụng, nôn trớ, đầy hơi, táo bón… Do đó, ngoài việc cho bé ăn đúng cách, giữ gìn vệ sinh và chọn lựa thực phẩm an toàn, dễ tiêu hoá, mẹ cần học cách kiểm tra tình trạng tiêu hoá của con thường xuyên”.
Mai Thương (theo Vnexpress)