Sáng 14-3, phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã kết thúc sau phần thẩm tra dự án Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án.
Điều 48 của Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định thẩm quyền của Tòa án Nhân dân được xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng của tòa án mà Tòa án Nhân dân được xử phạt lại chưa được quy định cụ thể, vì vậy việc ban hành Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án Nhân dân là cần thiết.
Theo cơ quan soạn thảo, việc ban hành Pháp lệnh này nhằm quy định đầy đủ và toàn diện các vấn đề cốt yếu (các nguyên tắc, hành vi, hình thức, mức, thẩm quyền, thủ tục xử lý...) về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại tòa án nhằm khắc phục một cách cơ bản những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm trong hoạt động tố tụng hiện nay.
Theo dự thảo Pháp lệnh, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án bao gồm hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa; hành vi không chấp hành yêu cầu triệu tập của tòa án; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của những người tiến hành tố tụng và những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của tòa án; hành vi cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của tòa án; hành vi cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án; hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản; hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của tòa án; các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Để bảo đảm việc xử lý bằng hình thức cảnh cáo có tác dụng, Tòa án Nhân dân tối cao đã bổ sung quy định quyết định xử lý bằng hình thức cảnh cáo ngoài việc gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý thì còn phải gửi cho cả cơ quan, tổ chức nơi người bị xử lý học tập, làm việc và Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc sáng 14/3, nhiều ý kiến không tán thành dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án vì cho rằng nhiều điều, khoản của dự thảo Pháp lệnh cũng như kỹ thuật lập pháp chưa đúng với yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại lần cho ý kiến trước. Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa lại cho phù hợp.
Thẩm tra dự án Pháp lệnh, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12-6-2012 của Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án.
Với tên gọi như vậy, Quốc hội đã xác định rõ mục đích, yêu cầu của việc ban hành Pháp lệnh này là xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án. Việc Cơ quan chủ trì soạn thảo sửa lại tên Pháp lệnh là “Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án” là không đúng với yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội.
Cho ý kiến về dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự thảo còn nhiều quy định chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và chưa phù hợp với nhiều quy định khác của pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo thực hiện đúng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉnh sửa, chuẩn bị lại dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 26, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát kỹ các dự án Luật dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới, tổ chức các hội nghị đại biểu chuyên trách để tập hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý, đảm bảo chất lượng, nội dung các dự án.
Theo TTXVN