G7 đưa ra lời kêu gọi Nga có những biện pháp cụ thể và đáng tin cậy nhằm giúp xoa dịu tình hình ở Ukraine.
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 diễn ra tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự ủng hộ với ban lãnh đạo mới ở Ukraine và lên kế hoạch kế hoạch tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo G7 tại Brussels, Bỉ |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết G7 sẵn sàng ủng hộ ban lãnh đạo mới của Ukraine trên cả phương diện chính trị và kinh tế. Ông Barroso cũng kêu gọi Nga có những biện pháp cụ thể và đáng tin cậy nhằm giúp xoa dịu tình hình ở Ukraine. Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron cũng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp giảm căng thẳng ở Ukraine, đồng thời công nhận và hợp tác với Chính phủ mới ở Kiev nếu không Moscow có nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.
Thủ tướng Anh nhấn mạnh: “Tình hình hiện nay là không thể chấp nhận được, bất ổn ở Ukraine phải chấm dứt. Tổng thống Putin phải công nhận tính hợp pháp của Tổng thống đắc cử Ukraine Petro Poroshenko và chấm dứt vũ trang xuyên biên giới với Ukraine cũng như ngừng hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông. Nếu những điều này không xảy ra thì Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắt khe”.
Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Putin hôm nay (6-6) bên lề các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ vào Normandy, Pháp.
Trước thềm cuộc gặp này, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov sẽ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Poroshenko, một động thái mà giới quan sát cho rằng để ngỏ khả năng hợp tác với chính quyền ở Kiev.
Thủ tướng Đức cho rằng hành động này là một hình thức Nga thừa nhận chính quyền ở Kiev song các bên cần phải chờ đợi thêm ở các cuộc hội đàm. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ chủ trì một cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Putin nhằm nỗ lực phá băng quan hệ Nga-phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Pháp hôm 4/6, Tổng thống Nga Putin cũng đã để ngỏ khả năng gặp ông Poroshenko tại Pháp trong dịp này. Tổng thống Mỹ Obama cho rằng, đây là cơ hội để Nga thể hiện cam kết ổn định tình hình Ukraine.
Ông Obama nói: “Nga cần phải nắm bắt lấy cơ hội này. Với ảnh hưởng của Nga đối với lực lượng ở miền Đông Nam Ukraine, Moscow tiếp tục có trách nhiệm thuyết phục họ chấm dứt bạo lực, hạ vũ khí và tham gia vào 1 cuộc đối thoại với chính phủ Ukraine”.
Ngoài vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 cũng tập trung vào triển khai chính sách cụ thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó 2 ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Tuyên bố chung kết thúc hội nghị nêu rõ G7 sẽ đưa ra các chiến lược tăng trưởng tổng thể và đầy tham vọng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 diễn ra ở thành phố Brisbane, Australia. Qua đó tiến tới hoàn tất chương trình hành động trong các lĩnh vực như đầu tư, việc làm và sự tham gia của phụ nữ cùng các lĩnh vực khác như thương mại và đổi mới và các chính sách kinh tế vĩ mô.
Lãnh đạo các nước G7 cũng cam kết phối hợp hành động đảm bảo an ninh năng lượng thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, tuyến đường trung chuyển, chuỗi cung ứng và vận tải nhằm giảm những tác động của việc phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, G7 nêu rõ sẽ trao đổi về các khoản đóng góp của từng nước trước khi diễn ra Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 21 (COP21), dự kiến diễn ra tại Pháp trong quý đầu năm sau.
Theo VOV