Bảo vệ trẻ em, đừng chỉ hô hào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Như giọt nước tràn ly, vụ một Hiệu trưởng ở tỉnh Phú Thọ giở trò dâm ô với nhiều nam sinh đang gây phẫn nộ trong dư luận về sự xuống cấp đạo đức của một số người vốn được xã hội trân trọng, được trao cho sứ mệnh giáo dục con người. Điều đó cho thấy, công tác bảo vệ trẻ em lâu nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn dừng lại ở hô hào, phát động, nói nhiều làm ít.
Thật không còn từ ngữ nào có thể nói hết sự bức xúc của xã hội trước vụ việc thầy Hiệu trưởng xâm hại tình dục hàng loạt nam sinh ở Phú Thọ trong một thời gian dài ngoài từ “bất lực”. Bất lực vì không ai có thể tưởng tượng được, các em học sinh lại trở thành nạn nhân của hành vi bạo hành, xâm hại tình dục từ chính người thầy của mình. Dẫu vụ án đã được khởi tố, đối tượng có hành vi phản đạo đức, vi phạm pháp luật đã bị bắt tạm giam để điều tra thì vụ việc nghiêm trọng này cũng cần được phân tích trên nhiều chiều cạnh khác nhau để tìm ra một tiếng nói chung cho công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em-những mầm non tương lai của đất nước.  
Một áp phích kêu gọi cộng đồng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại.
Một áp phích kêu gọi cộng đồng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại. (ảnh internet)
Cứ như thông tin mà các cơ quan truyền thông phản ánh suốt mấy ngày qua thì những lãnh đạo khác của ngôi trường này (gồm 2 Phó Hiệu trưởng và 1 Chủ tịch Công đoàn)-những người rất gần gũi với ông Hiệu trưởng trong công tác và có trách nhiệm rất lớn trong việc duy trì các hoạt động của trường-đều tỏ ra... không biết gì. Trả lời báo chí, họ đều tỏ ra “rất ngạc nhiên”, “rất bất ngờ” trước tội lỗi do ông hiệu trưởng gây ra. Thậm chí, cô Phó Hiệu trưởng còn khẳng định là mình đã “làm vuông vắn nhiệm vụ của người phụ trách chuyên môn”, rồi khẳng định “ai làm người ấy chịu”. Trong khi đó, nạn nhân của vụ việc đau lòng này thì lại cho rằng, nhiều thầy cô đã biết sự việc. Bởi đã nhiều lần họ còn trêu các em mỗi khi bị Hiệu trưởng triệu tập lên phòng thầy là: “có được thầy cho ăn kẹo mút không?”.
Vì vậy, dư luận có lý khi cho rằng, nhiều giáo viên đã không lên tiếng để bảo vệ học sinh của mình trước hành vi biến thái, vô đạo đức của ông Hiệu trưởng. Không đơn giản là vì ngại nói, là “sợ” quyền uy của ông hiệu trưởng mà trầm trọng hơn, đáng giận hơn, đó là sự đồng lõa với tội ác.
Nếu xem trường nội trú là ngôi nhà thứ 2 được phụ huynh ủy thác việc nuôi dạy, chăm sóc, bảo vệ các em thì quả thực, ở ngôi trường này, phải đặt câu hỏi về một môi trường giáo dục thực sự. Nếu các thầy-cô giáo làm đúng bổn phận “là người cha, người mẹ thứ 2” của các em thì vì sao những việc động trời, gây tổn thất to lớn về tinh thần, thể chất cho mình như vậy mà học sinh lại không dám nói ra? Các em đã không đủ lòng tin để có thể chia sẻ câu chuyện đau lòng này để nhờ các thầy-cô giáo với lương tâm, trách nhiệm của mình lên tiếng vạch trần tội ác, bảo vệ các em, nhưng lại uất ức kể lại với báo chí. Điều đó cho thấy, những người làm giáo dục ở ngôi trường này đã thất bại. Phụ huynh cũng đã gửi nhầm niềm tin khi quyết định để con cái mình rời vòng tay gia đình đến một nơi “được nhà nước nuôi ăn nuôi học”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ sự đau xót trước sự việc này, xem đó là tội ác và cho rằng  “phải giải quyết tận gốc” vấn đề, chứ không phải cứ “thấy có hiện tượng thì khởi tố, xử lý kỷ luật”.
Đó là một câu nói hay của người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo. Nhưng sẽ hay hơn, trách nhiệm hơn nếu việc ngăn ngừa được triển khai một cách quyết liệt hơn trong toàn ngành. Không dừng lại ở hô hào, phát động mà phải bằng một chương trình giáo dục giới tính tốt, trang bị cho các em những kỹ năng phòng-chống xâm hại để tự bảo vệ mình. Bởi nguy cơ này có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với cơ quan truyền thông xây dựng chương trình “Cơ thể của tớ là của tớ” để hướng dẫn giáo dục giới tính và các kỹ năng phòng-chống xâm hại tình dục cho học sinh. Mong rằng, bằng nhiều con đường, chương trình ấy sẽ sớm đến được với học sinh, trang bị cho các em những kiến thức cơ bản nhất để tự bảo vệ bản thân mình trước những vụ xâm hại của người lớn, đặc biệt là nạn xâm hại tình dục.
Kẻ thủ ác ắt sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm để giữ sự trong lành cho môi trường học đường. Nhưng điều quan trọng là phải bảo vệ các em từ xa bằng sự sàng lọc về sức khỏe thể chất và tâm thần đối với đội ngũ giáo viên ngay từ khâu tuyển dụng. Cần quan tâm nhiều hơn tới những tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm của các thầy-cô giáo. Những vụ bạo hành học sinh, xâm hại tình dục xảy ra liên tục làm xấu đi hình ảnh thầy-cô giáo trong mắt học sinh và phụ huynh thời gian gần đây cho thấy, không ít giáo viên chưa thực sự yêu thương học trò, rất kém kỹ năng xử lý tình huống sư phạm và coi thường pháp luật. 
Hãy cho học sinh thấy được trường học là gia đình thứ 2, thầy-cô giáo thực sự là “người cha người mẹ thứ 2” của mình khi các em cần một chỗ dựa trước những nguy cơ có thể gặp phải. Không ai làm được điều này, ngoài sự nỗ lực tự thân trên tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương con trẻ của chính các thầy-cô giáo.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.