Ngay sau khi tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum, ngày 2-11-1991 (thứ bảy), Báo Gia Lai xuất bản số báo đầu tiên mang tên “Gia Lai”. Báo có 8 trang, khổ A3, xuất bản 2 kỳ/tuần. Báo in bằng công nghệ Ti-pô nên chất lượng hạn chế. Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ, phóng viên thiếu (do một số chuyển sang công tác tại Báo Kon Tum) nên hoạt động gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, tập thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, nhân viên vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Bộ phận chế bản của Báo Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác |
Chỉ trong vòng 20 năm kể từ ngày chia tách tỉnh (1991- 2011), Báo Gia Lai đã xuất bản 3.000 kỳ báo. Từ vài ngàn tờ/kỳ đến nay Báo Gia Lai đã đạt chỉ số phát hành trên 7.500 tờ/kỳ. Tính từ năm 1993 đến nay, báo in bằng công nghệ Offseete thay công nghệ Ti-pô, riêng ấn phẩm Nguyệt san và Gia Lai Cuối tuần và Gia Lai ảnh (3 ngữ) hiện nay đã in 4 màu.
Nếu năm 1991 báo in 8 trang thì đến nay các ấn phẩm báo cũng đã dày dặn hơn, với 10 trang báo ngày, 12-14 trang báo Cuối tuần, 40 trang báo Nguyệt san và 4 trang báo Ảnh. Thay vì 2 kỳ/tuần thời điểm mới chia tách tỉnh đến nay báo đã phát hành hàng ngày (trừ chủ nhật), ngoài ra còn xuất bản Nguyệt san, báo Ảnh bằng 3 ngữ (1 kỳ/tuần) và Gia Lai điện tử với khoảng 18-20 ngàn lượt truy cập/ngày đêm. Chính thức khai trương tháng 3-2009, đến nay Gia Lai điện tử đã trở thành địa chỉ quen thuộc của đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 50-70 tin, bài với những thông tin trong và ngoài tỉnh được đăng tải. Với thế mạnh vốn có, Gia Lai điện tư đã góp phần khắc phục tình trạng chậm thông tin trên báo giấy.
Cùng với sự tăng trưởng về số lượng, chất lượng nội dung và hình thức tờ báo cũng không ngừng được nâng lên. Với đội ngũ phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên ngày càng được củng cố, tờ báo đã đăng tải một cách kịp thời, chính xác các thông tin thời sự trong tỉnh, cả nước và quốc tế. Không dừng lại ở đó, trên mặt báo thường xuyên xuất hiện các phóng sự, điều tra, bút ký, loạt bài mang tính chuyên sâu, với sự thể hiện chính xác, sinh động, sáng tạo. Hệ thống các chuyên mục cũng ngày càng đa dạng, phong phú, bám sát nhu cầu ngày càng cao của đông đảo công chúng. Việc thiết kế, trình bày cũng không ngừng được cải tiến. Hầu hết các ấn phẩm luôn được trình bày đảm bảo tính logic, fone chữ dễ đọc, hình ảnh đẹp, nhiều đơn vị thông tin, kết cấu tin-bài-ảnh vừa đảm bảo tính khoa học vừa thông thoáng… hấp dẫn người đọc.
Cùng với thông tin báo chí, những năm qua Báo Gia Lai rất chú trọng đến mảng thông tin- quảng cáo. Đây vừa là giải pháp tăng nguồn thu cho cơ quan vừa đáp ứng nhu cầu được thông tin về tình hình thị trường, doanh nghiệp và các loại hình thông tin khác đến với công chúng. Bằng chứng cụ thể là phụ trương thông tin- quảng cáo trên báo Gia Lai không những được đối tượng tiếp nhận quan tâm mà còn được đối tượng có nhu cầu thông tin yêu mến.
Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, thời gian tới, Báo Gia Lai tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tập trung tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; thông tin kịp thời và chính xác các sự kiện kinh tế- xã hội của tỉnh; tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng- chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; chống lại tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh đó, Báo sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung từng ấn phẩm. Để làm được điều đó, cần tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề báo; quan tâm xây dựng và có chế độ ưu đãi đối với đội ngũ cộng tác viên; trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp của bạn đọc. Khuyến khích và có chế độ khen thưởng kịp thời, thích đáng đối với các tác giả có tác phẩm đạt chất lượng cao; sàng lọc, thải loại những cá nhân yếu kém hoặc vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Hướng đến thông tin nhiều chiều, thông tin gần gũi với đời sống xã hội; chú trọng thông tin chỉ dẫn; bám sát sự kiện, thông tin theo diễn biến sự kiện…
Ngoài thông tin thời sự, cần tăng cường các chuyên đề nhằm phản ánh, phân tích, đánh giá, kết luận, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp giải quyết… đối với các sự kiện được xã hội quan tâm. Không ngừng cải tiến, sáng tạo trong trình bày, làm cho tờ báo ngày càng gần gũi với thị hiếu thẩm mỹ của người đọc. Phối hợp với Công ty cổ phần In và Dịch vụ Văn hóa Gia Lai nâng cao chất lượng in ấn. Đẩy mạnh công tác phát hành, phấn đấu đạt mốc 1 vạn bản/kỳ. Trước mắt cần “phủ sóng” báo Gia Lai tại các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tăng lượng báo bán lẻ tại các đại lý; phối hợp với Bưu điện chuyển báo kịp thời đến tay người đọc. Thường xuyên tổ chức các đợt điều tra, khảo sát yêu cầu bạn đọc, trên cơ sở đó có sự điều chỉnh kịp thời nội dung và hình thức tờ báo. Đẩy mạnh công tác từ thiện- xã hội gắn với việc mở rộng diện phát hành báo. Tăng cường thu hút thông tin- quảng cáo trên báo, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp; cải tiến hình thức trình bày các trang thông tin- quảng cáo, coi đây là một bộ phận thông tin không thể thiếu được đối với tờ báo. Tăng cường quảng bá hình ảnh của Báo Gia Lai đến toàn xã hội, trong đó chú trọng các đối tượng cán bộ- công chức, trí thức, thanh niên, doanh nhân…
Bùi Tấn Sĩ