Nhân dịp tham gia giảng dạy lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết cho báo mạng điện tử tại Gia Lai, PGS. TS. Nguyễn Đức Dũng- Giảng viên Học viện Báo chí Tuyên truyền-Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã dành cho phóng viên Báo Gia Lai cuộc trao đổi xung quanh việc phát triển báo điện tử.
* Phó Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò và sự ảnh hưởng của báo điện tử trong hoạt động truyền thông hiện nay?
- PGS. TS. Nguyễn Đức Dũng: Báo điện tử ở Việt Nam tuy mới ra đời song đã có những bước phát triển khá mạnh. Hiện nay, trên cả nước đã có 33 tờ báo điện tử, 180 phiên bản điện tử của các báo, hàng ngàn trang thông tin điện tử, chưa kể đến hàng chục ngàn website, blog cá nhân… Điều đó phần nào cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của internet và tác động đến sự phát triển của báo điện tử.
PGS. TS. Nguyễn Đức Dũng tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết cho báo điện tử. Ảnh: L.H |
* Theo Phó Giáo sư, xu hướng phát triển của báo điện tử, nhất là các báo điện tử địa phương sẽ như thế nào?
- PGS. TS. Nguyễn Đức Dũng: Với đặc trưng thông tin nhanh nhạy và khả năng đa phương tiện, đáp ứng nhiều nhu cầu thông tin của công chúng, chắc chắn xu hướng chung của báo điện tử sẽ là phát triển và phát triển mạnh mẽ. Ở một số quốc gia phương Tây, có nhiều người cực đoan còn cho rằng, báo điện tử ra đời sẽ “tuyên tử” với báo viết. Tuy nhiên, riêng với Việt Nam, tôi tin rằng, báo điện tử hoàn toàn có thể chung sống “hòa bình” với các loại hình báo khác. Mỗi loại hình báo chí đều có những thế mạnh khác nhau, điều đó càng làm cho công chúng có thêm lựa chọn. Mỗi người sẽ có một nhu cầu tiếp cận thông tin, báo điện tử tỏ ra thích hợp và thu hút nhiều sự lựa chọn của giới trẻ. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay của Việt Nam là vẫn còn nhiều lớp đối tượng chưa có điều kiện tiếp cận với báo điện tử, nên các loại hình báo khác cũng không hề bị “tuyên tử”.
Các báo điện tử địa phương tuy hạn chế do phạm vi thông tin hạn hẹp, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn hạn chế, tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng lớn của công chúng tại phạm vi tác động của tờ báo và xu hướng mở rộng phạm vi tìm kiếm và quan tâm thông tin của công chúng các vùng khác, thì báo điện tử địa phương vẫn có nhiều điều kiện để phát triển. Không những thế, báo điện tử có điều kiện thuận lợi hơn các loại hình báo khác trong việc vươn rộng tầm ảnh hưởng ra các vùng khác nếu muốn.
* Phó Giáo sư đánh giá như thế nào về báo Gia Lai điện tử?
- PGS. TS. Nguyễn Đức Dũng: Đây là một trong những tờ báo điện tử địa phương khá tốt, dù tuổi đời còn rất trẻ. Nội dung khá đa dạng, phong phú và hình thức bắt mắt. Tuy nhiên, báo cần phải tăng cường hơn nữa dung lượng và phạm vi “phủ sóng” thông tin nếu muốn trở thành một tờ báo mạng địa phương có “tầm” hơn nữa.
* Xin cảm ơn Phó Giáo sư!
Lê Hòa (thực hiện)