(GLO)- Một hành trình ngắn- một bài học hữu ích, quý giá cho hành trang tuổi trẻ. Đó là cảm nhận của Đại úy La Lan Khôi- Trợ lý Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai sau khi trở về từ hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển- Học kỳ trên biển”.
Không phải ai cũng có được may mắn đi lại trên con đường Hồ Chí Minh trên biển- dù chỉ lướt trên những ngọn sóng phẳng lặng nhưng cái dữ dội của chiến tranh vẫn âm vang sau mỗi lớp sóng xanh. Con đường huyền thoại chuyên chở vũ khí từ Bắc vào Nam, con đường của hy sinh và niềm tự hào sẽ là trải nghiệm đầy ý nghĩa với bất cứ một người trẻ nào. “Một bài học quý cho hành trang tuổi trẻ tôi muốn chia sẻ với mọi người”- Đại úy La Lan Khôi cho hay.
Nhiều cảm xúc
Bến Cồn Tàu là một mắt xích quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển giúp miền Bắc vận chuyển vũ khí vào Nam. |
Hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” dừng chân tại 6 bến, ở mỗi điểm dừng chân đều mang đến cho Khôi những cảm xúc đặc biệt. Anh chia sẻ: “Biển xanh đã xóa mọi dấu tích về đoàn tàu không số năm xưa. Nhưng ở các bến nơi chúng tôi dừng chân, chiến tích hào hùng của những con tàu không số, của những con người dũng cảm vẫn hiện hữu mồn một. Đó là bến Vũng Rô (Phú Yên) với trận quyết tử giữa ta và địch khi lần đầu tàu không số bị lộ, đó là bến Vàm Lũng (Cà Mau) với số lượng vũ khí khổng lồ được cập bến an toàn chi viện cho miền Nam… Ký ức của những cựu binh già trong cuộc hành trình cùng những câu chuyện của nhân dân ở khắp các bến giúp chúng tôi hiểu được một mảng khốc liệt của chiến tranh, sự vĩ đại, can trường của tuổi trẻ Việt Nam một thuở”.
La Lan Khôi (giữa) cùng các cựu chiến binh trong hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển”. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ấn tượng sâu đậm với Đại úy La Lan Khôi chính là tình người trong chiến tranh. Những người mẹ tóc đã bạc phơ vẫn gắng ra tận bến đón những người anh hùng của đoàn tàu không số năm xưa. Cũng chính nơi này mấy mươi năm trước, các mẹ đã đón các anh cùng vũ khí an toàn sau mỗi lần tàu cập bến. Nhiều cựu binh nay đã già, rưng rưng tri ân và khẳng định, chiến công không của riêng các anh mà là của nhân dân. “Sự khốc liệt của chiến tranh thì ai cũng hiểu, nhưng những hy sinh thầm lặng và ân tình giữa nhân dân và những người chiến sĩ, cho tới chuyến đi này, tôi mới thật thấm thía”- La Lan Khôi chia sẻ.
Câu chuyện về tình đồng đội của các cựu binh già cũng khiến các bạn trẻ lặng đi trong niềm xúc động. Khôi kể: “Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về đoàn tàu không số trên con đường huyền thoại trước đó và đã thầm khâm phục sự quả cảm, thông minh của các chiến sĩ. Vì thế, khi tham gia hành trình, được gặp trực tiếp những người chiến sĩ năm xưa bằng xương bằng thịt, cảm xúc của tôi thật khó tả. Mấy mươi năm đã qua đi, có người đã ngoài 80 tuổi nhưng suốt hành trình, họ vẫn cho chúng tôi thấy tinh thần của những chiến sĩ trẻ ngày nào. Ở mỗi bến dừng chân, họ đều nhắc lại từng câu chuyện về những đồng đội đã hy sinh, có bác òa khóc mà rằng: Đáng lẽ chuyến đi đó, tôi chứ không phải anh là người nằm xuống, thế nhưng anh đã dành cho tôi phần sống…”.
Hành trang tuổi trẻ
Bến Vũng Rô. |
Nhắc lại những cảm xúc sau “Học kỳ trên biển”, Đại úy La Lan Khôi khẳng định: “Trải qua muôn vàn khó khăn nhưng các chiến sĩ vẫn thể hiện một tinh thần lạc quan tuyệt vời. Các bác đã khiến chúng tôi tin rằng, không khó khăn nào là không thể vượt qua. Đoàn kết, che chở cũng là một bài học với tôi, bởi không có thành công nào không dựa trên sức mạnh tập thể”. Khôi cho hay, thấm thía điều đó nên suốt hành trình, thanh niên đến từ mọi miền Tổ quốc thể hiện tinh thần đoàn kết, cởi mở.
Nói về ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ với biển đảo thân yêu-một phần ruột thịt của Tổ quốc, Đại úy La Lan Khôi cho hay: “Cần đưa thêm nội dung về biển đảo vào các kỳ sinh hoạt Đoàn, cần thiết phải có tủ sách về biển đảo, về đường Hồ Chí Minh trên biển để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về hành trình gian khổ, khốc liệt nhưng đầy vinh quang của cha anh để sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với Tổ quốc”. Khôi cũng cho hay, “Học kỳ trên biển” có ý nghĩa rất thiết thực đối với tuổi trẻ. Không chỉ tổ chức cho thanh niên tiên tiến mà cần cho những thanh niên chậm tiến tham gia hành trình. Đây là bài học sống động, bổ ích giúp họ chiêm nghiệm ra nhiều điều có ý nghĩa để có mục đích phấn đấu trong cuộc sống.
Hoàng Ngọc