(GLO)- Tại tỉnh Gia Lai, thông qua kênh của Hội Nông dân tỉnh, đến nay đã thành lập được 2.039 tổ vay vốn với 42.702 thành viên (hộ) vay vốn cho chương trình tái canh cà phê. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 828 tổ với 14.368 thành viên nhận được vốn vay, số còn lại vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Theo ông Đặng Ngọc Khôi-Trưởng ban Quản lý vốn (Hội Nông dân tỉnh Gia Lai) thì, nguyên nhân phần đông nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn là do một số hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số khác đã có giấy chứng nhận thì đã thế chấp cho ngân hàng khác, vay tiền phục vụ cho nhiều mục đích. Do đó theo Nghị định 41 của Chính phủ, quy định về việc vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì hai đối tượng trên không được vay vốn để tái canh cà phê. Phần đông còn lại, do lãi suất ngân hàng cao, thời gian hoàn vốn ngắn, trong khi thời tiết, giá cả luôn biến đổi thất thường nên họ vẫn còn tâm lý e dè với chương trình này.
Ảnh: Huy Tịnh |
Trong phạm vi của Công ty Cà phê 706, ngoài 700 ha cà phê của Công ty còn có khoảng 400 ha cà phê của hộ gia đình. Do chất đất phù hợp, thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn nước tưới không quá khó khăn như những vùng khác nên từ lâu, vùng đất Ia Sao này đã là vựa cà phê lớn nhất, tốt nhất của tỉnh Gia Lai. Cũng do những thuận lợi trên nên từ lâu, cây cà phê đã được trồng ở đây sớm hơn những vùng khác. Hiện nay diện tích cà phê nông hộ (khoảng 400 ha) ở đây đều đã đến tuổi phải thay thế vì đã có tuổi thọ từ 25 đến 30 năm. Tuy nhiên do lãi suất ngân hàng cao, cộng với thời gian trả nợ sớm nên rất nhiều hộ không dám vay vốn tái canh.
Nông dân Nguyễn Văn Hộ (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) có gần 2 ha cà phê. Hơn một nửa diện tích trên đã có tuổi thọ gần 30 năm, hiện cho năng suất thấp, chất lượng quả không cao. Ông Hộ rất muốn thay thế diện tích cà phê già cỗi nói trên, tuy nhiên bỏ ra một lúc hơn 100 triệu đồng thì quả là con số không nhỏ. Ông nói: “Lãi ngân hàng cao như thế, trong khi thời gian trả nợ lại ngắn, nếu gặp lúc cà phê mất mùa hoặc mất giá, chúng tôi phải “lỗi hẹn” với ngân hàng. Lỗi hẹn với ai thì được, nhưng “lỗi hẹn” với ngân hàng thì chúng tôi không dám!”.
Từ đó, ông Hộ tự tái canh bằng cách, hễ thấy cây nào kém chất lượng ông đào bỏ cây cũ, mua giống cây con về trồng thay vào chỗ đó. Qua nhiều năm tự tái canh như trên, đến nay, vườn cà phê già cỗi gần 1 ha của ông đã thay thế được vài trăm cây mới. Cũng ở Ia Sao, ông Nông Văn Lưu cũng áp dụng biện pháp trên, tự tái canh cho vườn cà phê già cỗi của gia đình được khoảng trên 100 cây mới.
Ông Lưu cho biết: Do không đủ lực làm một lần, trong khi cây cà phê không còn cho năng suất cao nữa thì đành phải làm như vậy. Tự tái canh kiểu này có cái hay là mình có đến đâu làm đến đấy, không phải chịu áp lực lãi suất của ngân hàng. Tuy nhiên nếu cứ thay cây cũ bằng cây mới theo cách trên, vườn cà phê vĩnh viễn phải chịu mật độ dày, năng suất thấp, chất lượng hạt kém, đồng thời trong cùng một vườn cà phê lại có cây lớn-cây bé, cây già-cây non nên rất khó khăn trong quá trình chăm sóc, thu hoạch...
Lam Giang