(GLO)- Căn nguyên dự án đường vào xã Đak Pling ỳ ạch, hướng giải quyết như thế nào và đến bao giờ thì dự án mới hoàn thành-đó là mối quan tâm của dư luận và người dân vùng 4 xã đông sông Đak Pơ Kơ, trong khi nhà thầu nào cũng chậm tiến độ và có nhà thầu ôm tiền bỏ trốn.
Trách nhiệm chủ dự án, chủ đầu tư và các bên liên quan
Tình hình dự án chậm triển khai và triển khai ỳ ạch, rồi chất lượng công trình không đảm bảo là thực tế không có gì mới đối với Gia Lai và nhiều nơi. Để chấn chỉnh, tỉnh đã có nhiều giải pháp từ việc lập danh mục, lựa chọn dự án, phân bổ vốn, cho đến công tác đấu thầu, thanh toán,... Nhiều năm nay, tỉnh cũng đã thực hiện giao ban để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, các dự án sau khi triển khai vẫn tiếp tục chậm trễ, nhất là dự án trong lĩnh vực giáo dục, giao thông, thủy lợi. Nguyên nhân vẫn là những yếu tố vốn “thâm căn cố đế” chứ chẳng có gì mới mẻ. Có thể kể ra đó là: Yếu kém của chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, yếu kém của nhà thầu, thời tiết mưa gió ảnh hưởng, tình hình giá cả vật giá leo thang, chậm điều chỉnh giá nhân công, vật liệu, tác động của chính sách điều chỉnh tiền lương,… Nhưng sâu xa, gốc rễ của vấn đề là gì?
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế huyện Kông Chro. Ảnh: Thất Sơn |
Ông Phan Văn Chinh-Trưởng ban Quản lý dự án Đầu tư-Xây dựng cơ bản huyện Kông Chro cho rằng: Công ty Bình An trúng thầu 11 công trình với tổng giá trị hợp đồng trên 120 tỷ đồng. Đến nay chỉ mới có 1 công trình đưa vào sử dụng thì hư hỏng đến 70%. Hiện đơn vị này chỉ có 1 công trình ở dự án đường vào xã Đak Pling là còn thời gian thực hiện, còn các công trình khác thì đều đã hết thời gian thực hiện và đều trì trệ, dở dang, nhiều công trình đạt khối lượng rất thấp. Không đến nỗi như Bình An nhưng nhà thầu Hoàng Nhi và Trung Kiên cũng đang nợ khối lượng và chậm tiến độ.
Trong chuyến làm việc mới đây tại huyện Kông Chro, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng trên cơ sở cung cấp thêm thông tin về nhà thầu đã nhắc lại Thông báo số 33 của UBND tỉnh về việc xử lý vi phạm cũng như làm rõ trách nhiệm của chủ dự án, chủ đầu tư và các bên liên quan. Trong đó, các chủ dự án và Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng các công trình thì: cần làm rõ trách nhiệm trong việc đánh giá năng lực trước khi quyết định lựa chọn nhà thầu, trong việc đấu thầu, xét thầu, trách nhiệm trong việc theo dõi tiến độ và cho doanh nghiệp tạm ứng tiền nhưng không hoàn thành đúng tiến độ, đồng thời làm rõ trách nhiệm trong việc tín nhiệm đối với đơn vị thi công (thực hiện bảo lãnh hoặc không bảo lãnh tiền tạm ứng và đến nay đơn vị thi công đã dừng thi công công trình, mất khả năng thanh toán); có trách nhiệm thu hồi tiền tạm ứng theo quy định.
Trong trường hợp không thu hồi được tiền tạm ứng thì Ban Quản lý dự án và các cá nhân liên quan phải tự chịu chi phí khắc phục, hoàn thành công trình, có tính đến cả việc bồi thường phần chênh lệch giá, lãi suất, các chi phí phát sinh do thiếu trách nhiệm, kéo dài thời gian thi công, không được lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước để khắc phục.
Và hướng gợi mở tháo gỡ khó khăn
Dự án đường vào xã Đak Pling. Ảnh: Thất Sơn |
Theo Ban Quản lý dự án công trình đường vào xã Đak Pling, nguyên nhân chậm tiến độ là do công trình triển khai thi công vào tháng 10-2011-thời điểm mùa mưa nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Sự biến động giá cả theo chiều hướng tăng cao (nhân công, ca máy) khiến giá lập trong hồ sơ dự toán chênh lệch rất nhiều so với giá thực tế (khoảng 25%). Do thua lỗ nên nhà thầu chỉ thi công cầm chừng và trông chờ chính sách điều chỉnh giá của Nhà nước. Với Công ty Bình An thì, do nhận thầu nhiều công trình cùng lúc nên không đủ khả năng đảm đương các công trình đã trúng thầu.
Trước tình hình đó, trong buổi làm việc mới đây tại Kông Chro, lãnh đạo các sở, ngành đã đề cập về giải pháp tháo gỡ. Đại diện Sở Giao thông-Vận tải lo ngại: Đường vào Đak Pling thi công không đồng bộ thì chất lượng sẽ không đảm bảo và đề nghị tỉnh, huyện kiên quyết từ chối nhà thầu kém năng lực để tránh “tai vạ” về sau. Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Trung nêu quan điểm: Không tính điều chỉnh giá nhân công và vật liệu mà cho kéo dài thời gian thi công đối với các nhà thầu.
Xuất phát từ thực tế một số nhà thầu vẫn còn thời gian thực hiện hợp đồng, ông Nguyễn Quốc Khánh-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: Nhà thầu Trung Kiên và Hoàng Nhi còn thời gian thi công là 2 tháng nên huyện tích cực đôn đốc 2 đơn vị này thi công, trước khi đề cập đến phương án gia hạn, kéo dài hay điều chỉnh giá cả.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ý kiến nhiều bên liên quan và trong cuộc họp giao ban mới đây, các đại biểu cũng đều thống nhất: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cần có giải pháp điều chỉnh giá nhân công và vật tư nhiên liệu cho nhà thầu.
Trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, chủ dự án soát xét tất cả các dự án, tình hình hoạt động của các nhà thầu để có hướng chỉ đạo xử lý, tháo gỡ kịp thời, tránh dây dưa kéo dài. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng tình hình có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân vi phạm có tính chất chủ quan là cơ bản và chủ yếu. Vướng mắc đến đâu thì giải quyết đến đó, vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó, không thể có chuyện nhượng bộ. Ví dụ nhà thầu Bình An năng lực yếu nhưng thắng thầu nhiều dự án công trình dẫn đến nợ nần, mất khả năng thanh toán và vi phạm pháp luật. Hiện nhà thầu đang nợ khối lượng công trình của Nhà nước trên 20 tỷ đồng. Đơn vị này còn nợ nhà cung cấp vật liệu, nợ ngân hàng, nợ vay bên ngoài. Công ty Bình An trên thực tế đã không còn hoạt động. Trường hợp này tỉnh đã chỉ đạo xử lý, cả trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài trường hợp của Công ty Bình An, với các đơn vị chậm tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh nhất quán với quan điểm: Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án kiên quyết không giải quyết đối với trường hợp cố tình dây dưa kéo dài chờ Nhà nước bù lỗ.
Những vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản cũng như những vi phạm của nhà thầu sẽ còn được các cấp thẩm quyền thống nhất hướng giải quyết và xử lý. Vấn đề là trong thời gian nhanh hay chậm mà thôi. Và trong khi chờ đợi, người dân vùng Đông sông Đak Pơ Kơ, người dân Kông Chro và dư luận cứ phải trông chờ và nếm trải khổ đau khi đi lại trên con đường này!
Thất Sơn