Bài cuối: Tắc trách trong quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nợ nần chồng chất qua từng năm, tài sản trên đất của người lao động bị đem thế chấp ngân hàng, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ là khó tránh khỏi. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là lãnh đạo vẫn ung dung tự tại như chưa có gì xảy ra...
Sử dụng vốn vay trái mục đích
Trong tổng số gần 125 ha được giao khoán theo Nghị định 01/1995/NĐ-CP có 159 hộ tại địa bàn huyện Ia Grai, 1 hộ tại huyện Chư Pah, 2 hộ tại TP. Pleiku và 2 hộ ở ngoài tỉnh. Thời hạn giao khoán là 30 năm kể từ năm 1988 (theo hợp đồng cũ là 50 năm). Trong tổng số 34,37 ha được giao khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP với 36 hộ thì địa bàn huyện Ia Grai có 29 hộ, TP. Pleiku có 1 hộ, còn lại là các đối tượng khác(!), thời hạn giao khoán là 30 năm kể từ năm 2008.
Ngoài 2 loại giao khoán trên, tổng số diện tích cà phê quốc doanh, Công ty Cà phê Chư Pah khoán gọn và khoán định mức như đề cập ở bài viết trước. Việc giao khoán này hầu hết chưa được UBND tỉnh phê duyệt phương án và không theo thứ tự ưu tiên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong quá trình thực hiện giao khoán, Công ty không thu đúng, thu đủ sản lượng dẫn đến nợ phải thu sản lượng cà phê hụt sản tồn đọng từ năm 2006 đến tháng 9-2010 làm mất vốn Nhà nước 8,037 tỷ đồng. Trong khi đó, người mua cà phê đã ứng trước tiền (trên 12,8 tỷ đồng) đầu tư nhưng Công ty không đủ sản lượng để trả. Công ty nợ tiền vật tư, phân bón (trên 3,1 tỷ đồng) của người bán nhưng không có nguồn để thanh toán. Để có vốn hoạt động, Công ty phải đi vay ngân hàng.
Tính đến 31-12-2009, Công ty nợ gần 25 tỷ đồng (chưa kể nợ vay đối tượng khác và nợ mua vật tư, phân bón). Điều đáng nói là phần lớn khối lượng tiền vay ngắn hạn (vay vốn lưu động), Công ty lại đem tập trung đầu tư tài sản cố định (vườn cây, các công trình xây dựng cơ bản…) trái nguyên tắc. Thu hồi vốn chậm so với thời gian vay đã dẫn đến tình trạng thiếu nguồn để thanh toán các khoản nợ vay. Hiện các khoản nợ vay đều đã đáo hạn 2 lần và ngân hàng đã phát văn bản đòi nợ, không cho vay tiếp. Lúc này toàn bộ tài sản của Công ty đã đem thế chấp ngân hàng…
Lãnh đạo vẫn vô can?
Liên tiếp nhiều năm liền Công ty hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ như: Năm 2008 lỗ trên 4,7 tỷ đồng, năm 2009 lỗ trên 1,8 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2010 lỗ trên 8 tỷ đồng. Do lỗ nên kế toán báo cáo thuế cũng nhập nhèm nhiều khoản mục, trong đó có tài sản cố định mà Công ty nhượng bán (không bao gồm giá trị đất) không được kê khai thuế giá trị gia tăng gần 500 triệu đồng.
Đối với người lao động, nhiều năm liền Công ty không trả lương và không đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và chế độ chính sách khác của họ. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, hiện Công ty đang nợ tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế năm 2006 và 2007 là 216.312.557 đồng.
Sự tắc trách trên kéo dài nhiều năm liền nhưng không được các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc có một sự cảnh báo nào. Ngược lại, trách nhiệm của lãnh đạo Công ty vẫn chưa được đề cập trong quá trình điều hành từ “trâu lành thành trâu què”.
Từ thực trạng này, một lần nữa cần cảnh báo về cách điều hành khối tài sản của Nhà nước “cha chung không ai khóc” như Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh trước đây đã là một bài học đắt giá.
Các ngành chức năng cần vào cuộc để tìm ra phương án khả thi để giúp đỡ những người lao động ở Công ty này qua cơn bĩ cực.
Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm