(GLO)- Trong đợt giám sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản tại một số địa phương như Krông Pa, Chư Sê, Kông Chro và Chư Pưh… đã bộc lộ nhiều bất cập. Các doanh nghiệp có mỏ khai thác trên địa bàn các huyện ít gắn bó với địa phương. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý chưa thật đồng bộ.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho hay: Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện khi được huyện mời vào làm việc hầu như không có người. Còn ông Lưu Trung Nghĩa-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh nói: Huyện mời có khi doanh nghiệp không tới, còn mời đóng góp ý kiến thì không tham gia. Hơn nữa, việc quản lý trữ lượng khai thác khoáng sản đang thực hiện theo báo cáo của doanh nghiệp trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước chưa có đủ phương tiện kỹ thuật để đánh giá trữ lượng khai thác, thiếu sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản. Vì vậy, việc quản lý trữ lượng khoáng sản rất thiếu cơ sở, không chính xác dẫn đến việc thu thuế, phí đối với hoạt động khai thác khoáng sản chưa phù hợp, gây thất thoát ngân sách nhà nước...
Hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.N |
Một trong những vấn đề trọng tâm mà các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản nêu ra chính là tiền thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh cao hơn các tỉnh lân cận khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Theo phân tích từ Công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai, giá tính thuế tài nguyên đá granite hồng tỉnh áp dụng là 4,5 triệu đồng/m3, cao hơn các tỉnh lân cận. Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định 203/2003/NĐ-CP quy định về phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Bởi lẽ, mức đóng góp hiện nay là quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Đồng thời xem xét lại mức tiền ký quỹ phục hồi môi trường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đặc biệt, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với UBND tỉnh mới đây, nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại hoạt động “ủy quyền” khai thác khoáng sản có đúng luật hay không hay doanh nghiệp được cấp phép rồi mang bán lại cho doanh nghiệp khác khai thác; công tác quản lý nhà nước giữa huyện và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa đồng bộ. Phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản ở các doanh nghiệp được cấp phép.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên cho biết: Hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập trong việc ban hành văn bản; quy hoạch khoáng sản dựa trên cơ sở của Trung ương; việc cấp phép, đóng thuế theo sản lượng thực tế. Trung ương mới quan tâm đến các vùng lớn, trong khi Luật Khoáng sản mới ra đời còn nhiều bất cập. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh kiểm soát lại việc đóng các khoản thuế… để hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đi vào nền nếp.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thành-Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì cho rằng: Các địa phương có khoáng sản thực hiện rất nghiêm túc và nỗ lực trong việc quản lý và khai thác, chế biến khoáng sản nhưng do các văn bản ban hành về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương còn chậm làm ảnh hưởng đến các huyện có mỏ khai thác khoáng sản. Thiếu cơ chế trong khai thác, phân cấp, thông tin qua lại... dẫn đến địa phương còn lúng túng. Thời gian tới, UBND tỉnh cần sớm ban hành quy chế hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; tăng cường công tác thanh-kiểm tra các mỏ cát, đá nhỏ lẻ và linh động cho người dân các địa phương tận dụng cát xây dựng tại chỗ…
Nguyễn Diệp