(GLO)- Chỉ còn khoảng một tháng nữa là vụ ép mía mới bắt đầu. Tuy nhiên, trước những khó khăn của nền kinh tế, nhất là việc đường tồn kho nhiều và tình trạng đường nhập lậu tràn lan, các nhà máy đường và người trồng mía như đang đứng ngồi trên “đống lửa”.
Chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, đầu quý III-2012, các nhà máy đường đều tổ chức Hội nghị tổng kết vùng nguyên liệu của vụ sản xuất trước. Tại Hội nghị vùng nguyên liệu mía Ayun Pa, nhiều ý kiến của người trồng mía tiếp tục được nêu ra như tình hình sản xuất và tiêu thụ mía đường, vấn đề hỗ trợ giống, cơ giới hóa, tăng suất đầu tư trồng mới và chăm sóc... và đại diện công ty, nhà máy đã có những giải đáp ít nhiều thỏa đáng.
Tại Hội nghị, ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết: Toàn huyện có 6 ngàn ha lúa và 4 ngàn ha mía. Những năm qua, hai loại cây trồng này đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn, đặc biệt là cây mía. Giá trị và chính sách của nhà máy khiến nhiều nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Theo đó, tăng cường đầu tư cho cây mía cũng chính là tích cực hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hiện nay, giá đường thế giới hạ thấp kéo theo giá đường trong nước, nhu cầu giảm thấp và thị trường xuất khẩu đường thu hẹp, đường sản xuất ra nhiều nhưng tiêu thụ chậm. Hiện lượng đường tồn kho trong các nhà máy đã lên đến hơn 200 ngàn tấn. Trong khi đó, đường Thái Lan, đường nhập lậu vào nước ta với khối lượng lớn. Hiệp hội Mía đường và các bộ ngành liên quan cảnh báo: Tình hình sẽ còn tác động bất lợi đến ngành mía đường, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều nông dân. Nhà máy Đường An Khê hiện còn tồn kho khoảng vài chục ngàn tấn, con số này ở Nhà máy đường Ayun Pa là 10 ngàn tấn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, ông Cáp Thành Dũng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho biết, nhà máy sẽ vào vụ ép sớm hơn một tháng so với vụ ép trước, dự kiến là từ 25-10-2012. Để triển khai chủ trương này, nhà máy đã thống nhất với 110 hộ đăng ký thực hiện chương trình “chạy” mía sớm. Đây là những hộ có diện tích mía nằm trên các trục lộ chính thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển.
Trước đó, các hộ này cam kết thực hiện chế độ chăm sóc, bón phân tăng hàm lượng kali lên “22”, đảm bảo mía có chữ đường cao. Nhiệm vụ hết sức quan trọng lúc này là phải hoàn thành việc nâng công suất ép từ 3.200 tấn mía cây/ngày lên 3.500 tấn mía cây/ngày, phấn đấu hoàn tất vào ngày 15-10 để sau đó chạy thử và đi vào hoạt động ổn định. Hiện tại, tiến độ của việc nâng công suất ép mía luôn được giữ vững. Về giá thu mua mía, Hiệp hội Mía đường, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có cuộc họp thống nhất giá mía tối thiểu mua tại ruộng là 900 ngàn đồng/tấn. Đây là cơ sở pháp lý để Công ty bảo đảm mức giá thu mua để người dân luôn có lãi.
Nói chuyện với một số nông dân tại xã Chroh Pơnan, huyện Phú Thiện, chúng tôi thu lượm khá nhiều thông tin về tình hình vùng nguyên liệu, chủ trương chính sách của nhà máy, đời sống và sản xuất của nông dân. Chroh Pơnan nằm trong khu vực trạm thu mua nguyên liệu số 2 của vùng nguyên liệu có gần 1.400 ha mía. Gặp thời tiết thuận lợi, mía nơi đây có thể cho năng suất trên 100 tấn/ha. Cây mía đã giúp nhiều người phát triển kinh tế, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng. Bà con ủng hộ và đánh giá cao chính sách đầu tư và hỗ trợ của nhà máy. Chuyện tiền nong thanh toán, nhà máy cũng rất sòng phẳng, nhanh chóng, nhập mía sau vài ngày là có thể thu tiền. Tuy nhiên điều họ quan ngại là tình trạng tiêu thụ mía của nhà máy còn chậm.
Theo cách tính của các ông Bùi Tất Giang và Phan Văn Quang, ở thôn Yên Phú 2, với công suất đã được nâng lên thì với diện tích mía hiện có, nhà máy phải “chạy” tới 150 ngày mới tiêu thụ hết nguyên liệu. Nhưng những khó khăn, vướng mắc trong những năm qua như máy móc hỏng hóc, mưa nhiều và kéo dài làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch, thời điểm trước và sau Tết giá nhân công tăng vọt, đặc biệt là việc thực hiện nông lịch thiếu chặt chẽ... làm cho không ít người lo ngại.
Mía trồng giáp năm thì phải thu hoạch nhưng đằng này có khi đến 15, 16 tháng nhà máy mới thu mua. Để lâu nông dân như ngồi trên đống lửa: sợ cháy (thiệt hại sẽ lớn hơn), chậm tái canh, thiếu kinh phí trang trải cuộc sống. Lại còn vì kiểm sát viên tiêu cực, quan liêu chấp nhận cho đốn mía một ngày nhưng đến vài ngày sau mới nhập được về nhà máy (tình trạng này ở Nhà máy Đường An Khê thì kéo dài gấp nhiều lần), ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của mía.
Cũng theo ông Giang, thôn Yên Phú 2 hàng năm có khoảng vài chục phần trăm hộ vi phạm hợp đồng bán mía. Khi ấy, họ dành mía để “trả nợ” cho nhà máy, nhà máy “lấy” mía ấy để trừ kinh phí đầu tư, nói chung cũng không có gì “gay cấn” lắm. Dù còn có những “trục trặc” nhưng hầu hết, bà con cho rằng làm ăn với Nhà máy Đường Ayun Pa là thuận lợi nhất.
Mong sao vào vụ ép mới, những “trục trặc” sớm được hạn chế đến mức thấp nhất, để người trồng mía và nhà máy đường cùng có lợi.
Thất Sơn