Cách đây chưa đầy 1 năm, dư luận trong tỉnh không khỏi bức xúc về trường hợp của anh Trần Công Khoa, trú tại số nhà 26/4 Siu Bleh, phường Đống Đa (TP. Pleiku). Anh lái xe gần 2 năm cho Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Phương (địa chỉ 336C Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) thì bị tai nạn (điện giật) trong lúc làm việc, hậu quả phải cắt bỏ đôi chân, cùng nhiều vết bỏng nặng khác khiến anh không còn khả năng lao động, gia đình ly tán. Cái giá cho cả cuộc đời của anh chỉ được doanh nghiệp nơi anh làm việc “quẳng” cho 30 triệu đồng. Đến nay, sau gần một năm điều trị, viện phí và chi phí để lắp chân giả lên tới gần nửa tỷ đồng. Để có được số tiền “khổng lồ” trên, người cha trên 70 tuổi phải oằn lưng “chạy vạy” đủ nơi để vay mượn tiền chữa trị cho đứa con tội nghiệp.
Anh Trần Công Khoa, nạn nhân tai nạn lao động bị doanh nghiệp bỏ rơi. Ảnh: N.G |
Về việc này, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhiều lần đã mời chủ doanh nghiệp lên giải quyết nhưng chủ doanh nghiệp này kiếm cớ khước từ. Sau nhiều lần mời họp không thành, cơ quan này chuyển hồ sơ sang Công an huyện Ia Grai làm việc, đề nghị lập lại hiện trường để xác định đầy đủ nguyên nhân làm căn cứ quy trách nhiệm cụ thể. Vì quá bức xúc, cha anh Khoa đã liên tiếp viết đơn khiếu nại kêu cứu khắp nơi.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Thanh Tâm-công nhân Công ty TNHH một thành viên Chế biến Khoáng sản Kbang (huyện Kbang) sau tai nạn xảy ra, doanh nghiệp che giấu vụ việc để tự giải quyết. Tuy nhiên tai nạn được báo chí phát hiện và Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội vào cuộc. Do được ký hợp đồng (dù công nhân này chỉ mới làm việc được gần 10 tháng) và được tham gia đóng BHXH đầy đủ nên tất cả các khoản chi phí do tai nạn gia đình đều được hưởng đúng chế độ quy định.
Về phía người lao động, ngoài việc thiếu hiểu biết, một phần do nhu cầu công việc; mức thu nhập nên dù chính họ biết bị xâm phạm quyền lợi cũng không dám đấu tranh. Trong khi một số nơi, có tổ chức Công đoàn nhưng “ăn lương” của doanh nghiệp nên cũng “nhắm mắt” làm ngơ. Với những trường hợp NLĐ bị doanh nghiệp bỏ quên thì các chủ doanh nghiệp đã cố tình thiếu trách nhiệm để hưởng lợi từ việc không phải mất 19% tiền BHXH doanh nghiệp phải đóng cho công nhân.
Chế tài chưa đủ nặng
Nghị định 86/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp nợ đọng BHXH quá hạn, trốn đóng BHXH thì mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Do vậy, doanh nghiệp chịu phạt còn hơn là đóng BHXH cho công nhân. Đối với những doanh nghiệp đã, đang nợ hàng tỷ đồng tiền BHXH thì mức phạt trên quả là “cửu ngưu, nhất mao”. Sau khi bị phạt, các doanh nghiệp “hăm hở” đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nộp phạt, sau đó “duy trì” căn bệnh cũ và quyền lợi của NLĐ lại vẫn cứ tiếp tục bị bỏ quên và bị xâm hại.
Công nhân làm việc trong môi trường ô nhiễm, nặng nhọc. Ảnh: N.G |