(GLO)- Hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp với lợi ích lâu dài. Không thể xây dựng nền kinh tế vững mạnh nếu không có mở cửa hội nhập. Tất nhiên, hội nhập sẽ kéo theo nhiều sức ép khác nhau. Trước sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm lý để tham gia “cuộc chơi”. Tuy nhiên, chỉ doanh nghiệp tự thân nỗ lực là chưa đủ mà cần có những chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng phải tạo điều kiện bằng những chính sách hỗ trợ cần thiết, kịp thời và phù hợp.
Ảnh minh họa |
Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, để giúp nông dân chuyển từ tập quán canh tác cũ sang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn và góp phần phát triển diện tích cà phê được chứng nhận, nâng cao thương hiệu cà phê trên địa bàn tỉnh, Chi cục đã xây dựng mô hình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện mô hình đã được triển khai tại xã Chư Á (TP. Pleiku) và xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê). Trong tương lai gần, mô hình này sẽ được nhân rộng ra khắp trên địa bàn tỉnh. Đây có thể được coi là tiền đề để cà phê nói riêng, ngành nông sản nói chung, bắt đầu phát triển theo chiều sâu, hòa nhập với thị trường thế giới.
Thị trường là tự do, theo đó, cả doanh nghiệp lẫn nhà nước phải thay đổi để phù hợp với luật chơi bên ngoài. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện mới chỉ có khoảng trên 30% doanh nghiệp vay được vốn từ ngân hàng; 80% doanh nghiệp có công nghệ máy móc thiết bị lạc hậu, cũ kỹ. Ngoài việc cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ tư duy thiên về “quản” và “kiểm” sang hỗ trợ doanh nghiệp mới tận dụng được các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Không khó để nhận thấy nghịch lý lớn nhất trong nền kinh tế hiện nay là lạm phát đã được kiềm chế nhưng lãi suất ngân hàng giảm không đáng kể, thậm chí còn cao hơn nhiều so với chỉ số lạm phát. Điều này góp phần làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng nghĩa sẽ giảm tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Phú Lâm, chủ doanh nghiệp cà phê Classic nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm xuống còn khoảng 8-10%/năm là phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, nguồn vay trung và dài hạn đã bị đóng khung bởi những hợp đồng cũ và nó không thay đổi. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước nên có định hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các hợp đồng vay trung và dài hạn, điều chỉnh lãi suất cũ trong hợp đồng theo mặt bằng lãi suất hiện nay. Còn ông Ngô Tấn Giác, chủ thương hiệu cà phê Thu Hà thì cho rằng, các cơ quan hữu trách cần thông tin kịp thời những chính sách hỗ trợ của nhà nước đến với doanh nghiệp, bởi thực tế thời gian qua, Chính phủ có khá nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng trên địa bàn tỉnh lại không biết thông tin.
Trong năm 2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ở đây, tái cơ cấu ngành nông nghiệp không đơn thuần là chuyển tỷ lệ trồng cây này sang cây khác, nuôi con này sang con khác, mà chính là điều chỉnh, là thay đổi cách tiếp cận hệ thống chính sách, pháp luật, hạ tầng đầu tư cho nông nghiệp, đào tạo lại nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ nghiên cứu và quản lý nhà nước trong ngành nông nghiệp. Và như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát khẳng định, trong thời gian tới, bên cạnh việc mở cửa, chúng ta sẽ có các biện pháp để bảo vệ nông sản trong nước.
Còn phía tỉnh ta, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên cũng vừa ký duyệt kế hoạch hội nhập quốc tế ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai giai đoạn 2015-2020 nhằm thực hiện thắng lợi các nội dung về hội nhập quốc tế đã được đặt ra trong Nghị quyết số 31/NQ-CP nhằm chủ động công tác hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp, hạn chế tối đa những tác động bất lợi và khai thác triệt để những cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Trong đó, có nội dung rất quan trọng là xây dựng phương án, khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông-lâm sản; cụ thể hóa chính sách phối hợp 4 nhà (nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học), xúc tiến mạnh liên kết trong sản xuất, đảm bảo sản xuất hàng hóa có địa chỉ, từng bước xây dựng các thương hiệu nông sản có thế mạnh trên địa bàn tỉnh.
Hà Duy