(GLO)- Làm thế nào để cân đối giữa lợi ích của người dân, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật là điều các cơ quan chức năng trăn trở hiện nay.
Từ việc nâng cao ý thức người dân
Về cơ bản, nếu một chiếc xe máy kéo nhỏ hay máy cày (lái bằng càng hoặc vô lăng) được lắp ráp theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, kéo theo rơ-moóc kích thước nhỏ gọn, phù hợp thì xe có thể hoạt động trong nhiều loại địa hình, đặc biệt vẫn có thể hoạt động được trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người khi mua xe không để theo thiết kế ban đầu mà cố tình đem ra tiệm độ chế để tăng dung tích xi lanh và tải trọng.
Ảnh: Lê Lan |
Bình thường một chiếc máy kéo nhỏ có vận tốc khoảng 30-40 km/giờ nhưng sau khi độ chế sẽ lên 60-70 km/giờ. Nếu theo quy định thiết kế thì tải trọng của một máy kéo nhỏ chỉ 150 kg nhưng sau khi độ chế thùng và máy thì trọng tải có thể lên đến 5-6 tấn. Khi sự cố xảy ra thì rất khó xử lý vì thiết kế không phù hợp, xe dễ lật đổ, gây tai nạn.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề gây mất an toàn giao thông đối với phương tiện này. Ngoài ra, người lái không có giấy phép lái xe hoặc chạy ẩu, bất chấp nguy hiểm chở quá nhiều người, thậm chí là chở người ngồi trên hàng hóa... cũng là những nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức kém của người tham gia giao thông.
Lâu nay, các nội dung tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân về pháp luật giao thông được biên soạn ra nhiều thứ tiếng, phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là việc tổ chức tập huấn, ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông nhưng các giải pháp này tồn tại trong những đợt phát động, rồi đâu vẫn vào đấy…
Đến việc siết chặt quản lý
Hiện nay, bất cứ địa phương nào cũng thấy xuất hiện tiệm cơ khí sửa chữa xe công nông. Tại một tiệm cơ khí lớn ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh), anh Atrông Ytun cho biết, chiếc công nông của anh đang được độ thêm tời để kéo. Sau khi độ tời xe máy kéo của anh có thể kéo được 1,5 tấn. Quan sát tại tiệm này cho thấy rất nhiều thùng xe đang được hàn tiện, theo một nhân viên hàn ở đây thì kích cỡ một thùng là 3,8 mét x 1,25 mét, có thể chứa vài tấn hàng.
Công an huyện Chư Pưh đã có sáng kiến gắn biển phản quang lên xe máy kéo nhỏ, máy cày nhằm hạn chế tai nạn. Những xe máy kéo được lắp biển phản quang khi lưu thông ban đêm sẽ phát tín hiệu về kiểu dáng, kích cỡ… thông qua 5 biển phản quang được lắp ở những vị trí phù hợp để các xe cùng lưu thông trên đường nhận biết. Theo Thiếu tá Phạm Hồng Sơn-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh thì đến nay huyện đã triển khai lắp biển phản quang trên 3.426/3.895 xe máy kéo nhỏ (chiếm 88%). Việc làm này được đa số người dân ủng hộ do chi phí thấp (khoảng 150.000 đồng/xe) mà hiệu quả mang lại rất cao. Nhờ vậy số vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan tới xe máy kéo đã giảm đáng kể. |
Chủ một garage sửa chữa máy cày ở thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) cho biết: Để tăng vận tốc thì chỉ cần lắp thêm hộp số và cầu trục xe tải vào xe công nông. Nếu chạy bình thường thì dùng hộp 3 số của máy kéo còn khi chở nặng và chạy tốc độ cao thì dùng hộp số xe tải. Đặc biệt có thể lắp thêm bộ nối hộp số (giá khoảng 2,7 triệu đồng).
Theo đó, người lái chỉ cần sử dụng một hộp là có thể điều khiển cả xe với tốc độ tùy ý (tức là người lái có thể dùng số 3 nhanh hoặc số 3 chậm…). Những thiết bị này bán nhan nhản trên thị trường, nhiều tiệm buôn bán còn lắp sẵn để bán cho khách hàng có nhu cầu, giá một chiếc xe loại này khoảng 50-70 triệu đồng.
Mặc dù trước đây UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định số 108/2007/QĐ-UBND chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở hành nghề sửa chữa xe công nông; sản xuất, lắp ráp thùng hàng kéo theo xe máy kéo nhỏ để xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm và yêu cầu các chủ cơ sở sửa chữa xe công nông; sản xuất, lắp ráp thùng hàng kéo theo xe máy kéo nhỏ trên địa bàn ký cam kết không sản xuất các loại xe độ chế, xe tự lắp ráp.
Tuy nhiên, trên thực tế việc độ chế xe công nông vẫn hoạt động một cách ngang nhiên. Bên cạnh đó, việc đào tạo lái xe công nông hiện đang còn “bỏ ngỏ”, chưa có cơ sở nào chuyên về đào tạo sử dụng loại xe này trong khi đây là loại xe rất khó sử dụng. Theo quy định, người có giấy phép lái xe hạng B, C, D, E và A4 được phép lái xe này, nhưng trên thực tế tài xế dù lái xe khách, xe container đều cho rằng muốn lái được xe máy kéo cũng phải học lại. Vấn đề quản lý xe công nông cũng cần siết chặt hơn.
Lê Lan