(GLO)- Tròn 66 năm, 6 tháng, 6 ngày sau khi Bác Hồ gửi thư nhân dịp Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19-4-1946) được tổ chức tại Pleiku, nhân dân Tây Nguyên được đón Bác về. Từ nay, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, một “Mặt trời hồng” sẽ mãi mãi tỏa sáng giữa Tây Nguyên xanh vời vợi.
Kỳ 2: Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”-Công trình văn hóa lớn
Bác đã về đây với chúng con
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng cũng như sau khi nước nhà thống nhất, Bác chưa thể một lần đến Tây Nguyên. Tuy vậy, tình cảm của Bác dành cho đồng bào Tây Nguyên cũng như tình cảm của đồng bào Tây Nguyên dành cho Bác là không ai có thể nói hết bằng lời, viết hết bằng chữ.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Bởi vậy, từ lâu, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai đã mong muốn có một công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên xây dựng tại Pleiku-nơi tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 và vinh dự được đón thư Bác với những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc. Không chỉ ghi lại những dấu ấn của Bác đối với nhân dân Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, công trình cũng nhằm để thỏa tâm nguyện được đến với bà con đồng bào Tây Nguyên của Người.
Nguyện vọng tha thiết của nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý tại Thông báo số 171 ngày 2-8-2008. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng công trình tượng đài, mời đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đại diện Bộ Xây dựng tham gia Ban Chỉ đạo.
Trong suốt quá trình thi công xây dựng, để công trình đạt được kết quả tốt nhất, không chỉ đáp ứng được tốt các yêu cầu về mặt thiết kế, kỹ thuật, đảm bảo tính thẩm mỹ, công trình còn phải mang đậm dấu ấn và bản sắc văn hóa của đồng bào Tây Nguyên; thể hiện được một cách sâu sắc tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng như tình cảm của đồng bào Tây Nguyên dành cho Bác.
Ban Chỉ đạo xây dựng công trình đã tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, những người có chuyên môn, kinh nghiệm, các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh cũng như nhân dân để tập trung cao nhất trí tuệ, chuyên môn cho công trình: Từ chọn địa điểm đặt tượng Bác, đặt tên cho quảng trường, tên tượng đài… Có thể nói, công trình là sự tổng hợp của ý tưởng cao đẹp và niềm mong mỏi của toàn thể nhân dân, cộng với kết tinh tinh hoa trí tuệ của nhiều người, nhiều lĩnh vực.
Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết có diện tích rộng 2 ha, mẫu tượng Bác do nhà điêu khắc Phạm Bá Đua-hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam thể hiện. Mẫu tượng này đã được trình Ban Bí thư Trung ương Đảng phê duyệt và góp ý trước khi tiến hành thi công.
Tượng Bác cao 10,8 mét, nặng 16 tấn, được làm bằng đồng nguyên chất theo công nghệ mới bằng phương pháp gò, hàn có sức chống chịu gió giật cấp 15 với vận tốc 200 km/giờ, gió xoáy cấp 12, động đất ở 8 độ richter và sức chịu nhiệt lên đến 900C. Công trình bức phù điêu phía sau tượng Bác rộng 600 m2, mô phỏng theo hình bông sen nở, được làm bằng đá xanh lấy từ Thanh Hóa, do tác giả Lê Lạng Lương thiết kế. Mặt trước bức phù điêu có khắc những hình ảnh thể hiện đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa cũng như chiến đấu trước đây của các dân tộc Tây Nguyên theo trục thời gian: Quá khứ-Hiện tại-Tương lai, nêu bật tính truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết của các dân tộc sinh sống trên đại ngàn Tây Nguyên.
Theo ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, đây là công trình tượng đài có tiến độ thi công nhanh nhất nước, công nghệ ép đồng miếng để tạo nên bức tượng là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, bức phù điêu lập kỷ lục là bức phù điêu bằng đá có diện tích lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Cũng theo ông Vũ, ngoài các điểm nổi bật trên, công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” còn sở hữu nhiều điểm nổi bật ý nghĩa về mặt thiết kế, kiến trúc: Trước quảng trường, phía bên tay phải tượng Bác là 54 khối đá tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, bên trái là khối đá lớn tạc bức thư Bác Hồ gửi cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946. Hai bên tượng đài có treo hai giàn cồng chiêng trên những cột đá bazan được lấy từ chính mảnh đất Gia Lai. Phía trước là hồ sen được lấy giống sen từ hồ Tây và làng Sen quê Bác tại Nam Đàn-Nghệ An, phía sau là hệ thống đồi núi mô phỏng theo hình dáng núi Hàm Rồng-nơi được mệnh danh là mái nhà của Tây Nguyên. Ngoài ra còn có hàng râm bụt, khối đá khắc tên quảng trường…
Đặc biệt ấn tượng là hệ thống cây xanh gồm nhiều loại cây đặc chủng của Gia Lai được đưa về trồng: Cẩm lai, hương, sao… Tỉnh bạn Lâm Đồng cũng gửi tặng 100 cây mai anh đào để trồng trong khuôn viên quảng trường. Đây là điểm nhấn khá thú vị, góp phần tạo không gian xanh cho quảng trường.
Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bác luôn là vị cha già kính yêu nhất, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, đưa người Tây Nguyên cùng cả nước vượt qua muôn vàn gian khó, để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Trong những tháng năm đói cơm, lạt muối, làng buôn luôn luôn phải di dời để tránh giặc càn, giặc vây, du kích bố phòng đánh địch, người Tây Nguyên vẫn luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ làm điểm tựa tinh thần. Khắc ghi từng lời trong thư Bác, suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, chống thực dân và đế quốc xâm lược, 11 dân tộc Tây Nguyên: Bahnar, Mơ Nông, Jrai, Ê Đê, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm, Chu Ru, Mạ, Cờ Ho luôn sát cánh cùng đồng bào cả nước một lòng theo Đảng, không sợ gian khó, hy sinh, quyết chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Theo lời Bác, khắp rừng núi Tây Nguyên đã mọc lên những làng kháng chiến. Chỉ với chông tre, bẫy đá, mang cung… mà đại ngàn Tây Nguyên đã làm cho quân thù khiếp sợ.
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên lại hăng hái tham gia thi đua lao động sản xuất, xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu mạnh, đúng như mong mỏi của Bác Hồ. Gần 40 năm sau ngày giải phóng, bằng ý chí tự lực, tự cường của mỗi người dân, Tây Nguyên nay đã đổi khác nhiều. Đã không còn những năm tháng đói kém triền miên, nỗi lo thiếu cái ăn, cái mặc đã bị đẩy lùi, thay vào đó là một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con em đều được đến trường… Cuộc sống của bà con Tây Nguyên đã có rất nhiều đổi khác, giàu mạnh hơn, tươi đẹp hơn.
Và nay, khi trong lòng Tây Nguyên có Bác, nhân dân Tây Nguyên lại có thêm một động lực không nhỏ để tiếp tục đi lên, xây dựng cuộc sống mới, xứng đáng với tấm lòng và tình cảm mà người cha già kính yêu dành cho nhân dân Tây Nguyên. Bác sẽ là cầu nối để gắn kết mỗi người dân, mỗi dân tộc thành một khối đại đoàn kết vững chắc, chẳng kẻ thù nào có thể chia cắt được chúng ta, để Tây Nguyên mãi mãi là điểm tựa vững chắc nơi vùng phên dậu phía Nam của Tổ quốc Việt Nam mến yêu.
Xin mượn lời phát biểu của ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tại lễ khởi công xây dựng công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” làm lời kết cho loạt bài này: “Với tất cả tình cảm của mình với Bác kính yêu, chắc chắn Tượng đài trong tim mỗi người con Tây Nguyên sẽ góp phần hun đúc lên Tượng đài Bác Hồ hiện hữu, trường tồn trong không gian lịch sử-văn hóa của Tây Nguyên”.
Bác sẽ mãi mãi trường tồn trong trái tim mỗi người dân Tây Nguyên!
Minh Dưỡng-Lê Hòa-Hồng Thi