Người thì thả gà ra sân, người đi bắt gà nhốt lại” nên địa phương gánh kỷ luật khi rừng bị phá là không tránh khỏi-đó là câu ví von của Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-ông Hồ Văn Quang khi đề cập đến Quyết định 59/2005/QĐ-BNN ngày 10-10-2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Theo quy định này, quy trình nhập-xuất lâm sản, cơ sở chế biến tự ghi chép vào sổ; khi vận chuyển, tiêu thụ tự lập bảng kê, xuất hóa đơn không cần thông báo cho cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra, xác nhận nguồn gốc gỗ; đặc biệt sản phẩm hoàn chỉnh như bàn, ghế, giường, tủ… không cần giấy tờ sẽ gây khó khăn cho công tác bảo vệ tài nguyên rừng, “mở cửa” cho lâm tặc phá rừng.
Ảnh: Anh Khoa |
Vẫn biết, hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ xếp vào dạng có điều kiện và được cơ quan có chức năng của tỉnh cấp phép hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, cấp huyện cấp phép theo Luật Hợp tác xã; cơ quan cấp tỉnh trước khi thực hiện quyền cấp phép có hỏi ý kiến của địa phương. Cùng với sự bất cập trong cấp phép, công tác hậu kiểm nhất là hậu kiểm các cơ sở chế biến gỗ do cơ quan của tỉnh cấp phép còn có vấn đề. Vì thế, sự tồn tại của các cơ sở chế biến gỗ không phải để chế biến, mà là mua bán gỗ trái phép. Nghị định 99 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì cây tròn có đường kính từ 10 cm trở lên, dài 1 mét mới gọi là gỗ; hoặc đầu nhỏ có đường kính 20 cm và chiều dài 30 cm trở lên được xem là gỗ. Lợi dụng quy định này, người dân vào rừng tìm cây có đường kính tương tự mang về… để làm củi và đã gây nhiều khó khăn trong việc giữ rừng.
Chế tài xử lý lâm sản trái phép hiện nay cũng là một rào cản trong công tác giữ rừng. Theo quy định của tỉnh, gỗ tịch thu được bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm tỉnh; sau đó cơ quan này xin ý kiến của tỉnh mới tiến hành bán gỗ rồi tính toán khấu trừ chi phí hợp lý thông qua hóa đơn, số tiền bán gỗ, còn lại mới trích cấp cho cơ sở 50%. Theo nhìn nhận của các địa phương có rừng, việc truy quét phải huy động nhiều lực lượng. Có khi để bắt được 1 khối gỗ khu vực vùng sâu, vùng xa phải sử dụng cả trung đội. Quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng truy quét mua con gà, gói mì tôm trong các làng để phục vụ bữa ăn hàng ngày thì lấy đâu ra hóa đơn đỏ để được đưa vào hồ sơ chi phí hợp lý. Bắt được khối gỗ phải thuê xe vận chuyển về điểm tập kết, rồi chờ tỉnh bán gỗ xong trích lại mới có tiền trả, có khi 6-7 tháng mới nhận được tiền trích lại. Với cơ chế tài chính như trên, địa phương càng truy quét, càng rơi vào nợ nần. Chủ tịch UBND xã Kim Tân, huyện Ia Pa-ông Lương Xuân Thái thừa nhận: Chế độ cho lực lượng làm nhiệm vụ truy quét chưa đảm bảo nên lãnh đạo xã không điều động được người tham gia đi bắt gỗ.
Trong hành trình giữ rừng, tuyên truyền, chủ động phòng ngừa những tác động tiêu cực vào rừng là phần việc quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Quang, tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng chưa đạt hiệu quả. Còn thực tế công cụ chữa cháy chỉ lèo tèo mấy cái cào, cái bình thì sao đảm bảo tính hiệu quả, chủ động. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-ông Nguyễn Nhĩ thẳng thắn thừa nhận: Một số chủ rừng buông lỏng quản lý, ít kiểm tra rừng, chưa thực hiện tốt công tác phối hợp, thiếu quan tâm chỉ đạo cấp dưới, dẫn đến không nắm bắt được tình hình rừng bị xâm hại.