Bài 3: "Bàn đạp" thống nhất đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hệ thống đường chi viện chiến lược trên dãy Trường Sơn không chỉ là con đường nối liền giữa hai miền Nam-Bắc, giữa hậu phương với tiền tuyến mà còn là một chiến trường hoàn chỉnh, là căn cứ chiến lược của ba nước Đông Dương. Con đường Trường Sơn có vai trò quan trọng trong các đòn chiến lược, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc

Hành trình về với đường Trường Sơn, chúng tôi may mắn được gặp rất nhiều người đã trải qua những năm tháng đạn bom ác liệt nơi núi rừng. Họ từng là chiến sĩ, từng là thanh niên xung phong, là giao liên, là y-bác sĩ… Và nay, họ đã đầu bạc hoa râm nhưng khi được hỏi về Trường Sơn thì không ai trong số họ lãng quên giây phút nào của những ngày xưa cũ…

 

Những ngày đầu vào với “tuyến lửa” Trường Sơn, cô giao liên 17 tuổi- Hoàng Thị Mai đã phải chứng kiến những trận “mưa bom” của kẻ thù. Chính những trận “mưa bom” ấy đã cướp đi những đồng đội, phá tan những cung đường mà ta vừa xây đắp. Lòng cô thắt lại và nao núng ý chí quyết tâm xả thân đánh giặc. “Thời điểm tôi vừa vào Trường Sơn cũng là lúc bộ đội Trường Sơn cùng với cả nước tích cực chuẩn bị phục vụ cho chủ trương chiến lược mới. Sau khi kết thúc cuộc diễn tập "chiến dịch vận tải" tháng 8-1967, chúng tôi xốc lại đội hình, chuẩn bị chu đáo, khẩn trương vào chiến dịch mùa khô 1967-1968. Núi rừng Trường Sơn lúc ấy hừng hực khí thế và chúng tôi bằng bất cứ giá nào cũng không để tắc đường”-cô Hoàng Thị Mai (phường 5-TP. Đông Hà- Quảng Trị) kể lại.

Cũng như các hướng chiến trường, tuyến 559 thật sự sôi động không khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Lần đầu tiên, đoàn vận chuyển cơ giới cho 1.977 người hỏa tốc vào chiến trường; lực lượng công binh nâng chất lượng cầu đường được 1.567 km, mở thêm 457 km đường mới, đảm bảo vận chuyển quy mô lớn và cơ động binh khí kỹ thuật thông suốt. Đêm 20-1-1968, khi Mặt trận đường 9-Bắc Quảng Trị mở màn chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, theo lệnh của Bộ, tuyến 559 đã huy động một lực lượng lớn công binh mở gấp con đường dã chiến nối từ trục chính tới Binh trạm 8 của Trị-Thiên và xây dựng kho dã chiến ở Bản Đông, mở một mũi vận chuyển trực tiếp phục vụ chiến dịch. “Khi nghe tin Quân Giải phóng tiến công 4 thành phố, 37 tỉnh lỵ, hàng trăm huyện lỵ trên khắp miền Nam; đặc biệt ta làm chủ thành phố Huế, tiến công Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn… những người lính Trường Sơn chúng tôi như vỡ òa, nước mắt đã rơi”-ông Lê Sơn (thôn 6- xã Ia Tô- huyện Ia Grai-tỉnh Gia Lai)-Bộ đội Trường Sơn, xúc động tâm sự.

 

Thi
Ông Thị kể lại những ngày chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn ác liệt. Ảnh: Nguyễn Giác

Sau khi buộc phải tạm ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng không quân tập trung tàn phá tuyến 559 cực kỳ ác liệt. Bộ đội Trường Sơn vẫn kiên cường giữ vững từng mét đường, tấc đất. Với khẩu hiệu “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, họ đã giữ vững được tuyến chi viện. Tới mùa khô 1970-1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động nhiều binh trạm, nhiều đơn vị pháo cao xạ, công binh và bộ binh trực tiếp tham gia chiến dịch đường 9-Nam Lào.

Được trực tiếp tham gia chiến dịch, ông Nguyễn Văn Thị (số 987-đường Quang Trung-TP. Quảng Ngãi) trầm ngâm: “Trong thời gian chiến dịch, chúng tôi vừa đảm bảo chi viện cho các hướng chiến trường vừa đảm bảo cho các lực lượng tham gia chiến dịch. Tuy chiến dịch kết thúc thắng lợi và đập tan được âm mưu của địch hòng ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của ta nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi những mất mát, đau thương. Một đại đội thông tin đã hy sinh khi bị B52 ném bom xuống, trong đó có cả những cô gái vừa nhập ngũ, tuổi chưa đầy 20”.

Sau mỗi chiến dịch, con đường Trường Sơn dù phải hứng chịu bao “vết thương” nhưng vẫn hiên ngang vươn tới, cùng quân và dân ta gặt hái nhiều thắng lợi vẻ vang.

“Tất cả cho chiến trường đánh to, thắng lớn”

Đó là khẩu hiệu thi đua của bộ đội Trường Sơn trong những năm hoàn thiện thế trận mới để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Từ năm 1971 đến 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã mở thêm nhiều tuyến đường kín, nối các trục dọc, trục ngang và thi công kéo dài tuyến đường ống dẫn xăng dầu vào phía Nam. Hệ thống cầu đường Trường Sơn đảm bảo lưu lượng trên dưới 1.000 xe chạy cả ngày và đêm với tốc độ 25-30 km/giờ.

Trải qua 15 năm máu lửa, 15 năm thăng trầm với mưa nguồn suối lũ… con đường Trường Sơn đã trở thành một tuyến chi viện chiến lược vững chắc, sẵn sàng cùng quân và dân cả nước bước vào trận đánh quyết định.
 

Ông Danh háo hức tả về khí thế của bộ đội Trường Sơn trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1945. Ảnh: Nguyễn Giác
Ông Danh háo hức tả về khí thế của bộ đội Trường Sơn trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1975. Ảnh: Nguyễn Giác

“Không thể nào có thể tả nổi khí thế của bộ đội Trường Sơn chúng tôi những ngày chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công. Cả đại ngàn như rung chuyển, người và xe tấp nập. Dù lúc đó địch vẫn ráo riết quần thảo bằng máy bay, bom đạn, nhưng không ngăn nổi những hoạt động khẩn trương, ồ ạt của chúng tôi”-ông Hoàng Song Danh (thôn 9-xã Đak Cấm- Kon Tum) bồi hồi nhớ lại. Trong hồi ức của ông, đây là khoảng thời gian mà hàng hóa được chuyển vào tấp nập. Các cụm kho dự trữ chật ních hàng, được bố trí hợp lý để xe vào nhận hàng một cách nhanh nhất. Đưa tay vuốt lại mái tóc đã bạc trắng, ông Danh khẳng định với chúng tôi: “Thời điểm ấy, chúng tôi dốc toàn lực cho chiến trường và luôn tin chắc một điều rằng: Đất nước sẽ hòa bình, hai miền Nam-Bắc sẽ thu về một mối”.

Ngày 15-12-1974, Bộ đội Trường Sơn nhận lệnh tham gia chiến dịch Tây Nguyên với nhiệm vụ là làm đường, bảo đảm đạn dược, lương thực, xăng dầu… và tham gia tác chiến. Con đường Trường Sơn như ngày hội lớn khi người và xe của 3 sư đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn rầm rập tiến thẳng vào chiến trường Tây Nguyên. Là một trong những chiến sĩ được tham gia chiến dịch này, ông Hồ Ngọc Thơm (thị trấn Chư Ty-huyện Đức Cơ-Gia Lai) tự hào: “Sư đoàn 968 của chúng tôi được Bộ phân công nhiệm vụ đánh nghi binh địch. Để thu hút địch ở Bắc Tây Nguyên, sư đoàn đã nổ súng tiêu diệt Đồn Tầm (chốt của Mỹ). Và đây cũng là trận mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên”. Ngày 25-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, bộ đội Trường Sơn hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tham gia giải phóng Kon Tum-Pleiku, góp phần quan trọng vào chiến thắng vang dội ở Tây Nguyên.

 

Cựu chiến binh Gia Lai bày tỏ niềm vui khi nhớ lại thời điểm đất nước giải phóng. Ảnh: Nguyễn Giác
Cựu chiến binh Gia Lai bày tỏ niềm vui khi nhớ lại thời điểm đất nước giải phóng. Ảnh: Nguyễn Giác
Không quân Mỹ đã thả xuống tuyến đường Trường Sơn trên 4 triệu tấn bom đạn đủ loại với 152.000 trận, 733.000 trận xuất kích bằng máy bay (trong đó có 26.500 lần sử dụng B.52, 7,7 triệu quả bom các loại và trên 400.000 lượt đạn rốckét)
 

Con đường Trường Sơn đã góp phần cùng cả dân tộc đi tới trận quyết chiến cuối cùng của ngày 30-4-1975. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 2 sư đoàn 571 và 471 của Bộ đội Trường Sơn cùng 4.650 chiếc xe đã vào tham gia chiến dịch Tổng tấn công giải phóng miền Nam. Lực lượng xe cơ động của Đoàn 559 hợp thành với lực lượng tăng-thiết giáp của Quân đoàn 2 trở thành lực lượng cơ giới, hành quân thần tốc, vừa đi vừa giải phóng các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Trên chặng đường dài 1.000 km từ Đà Nẵng vào Đồng Nai có tới hàng trăm cầu lớn nhỏ bị ngụy quân phá sập khi rút chạy. Bộ đội công binh của Trường Sơn đã nhanh chóng bắc cầu tạm, đảm bảo cho bộ đội hành quân cơ động, thần tốc theo yêu cầu của chiến dịch. Lực lượng ô tô chiến đấu của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã cùng xe tăng, thiết giáp của quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng tham mưu Ngụy và chiếm Dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang/Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/Trường Sơn vượt núi băng sông/Xe đi trăm ngả chiến công bốn mùa”… Những câu thơ của Tố Hữu như trở thành “tuyên ngôn” của con đường Trường Sơn huyền thoại. Con đường hòa trộn máu xương của cha ông-con đường đưa chúng ta đến chiến thắng.

M.Dưỡng-T.Dung-H.Thi-N.Giác

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.