Cuộc chiến nguyên liệu vẫn tiếp diễn
Từ nhiều năm qua, mỗi khi vụ ép bắt đầu, tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy đường trong khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ diễn ra gay gắt tại 2 vùng nguyên liệu trọng điểm phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai.
Cuộc chiến cạnh tranh nguyên liệu nhiều năm qua không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của hàng nghìn hộ nông dân trồng mía mà còn làm thay đổi lớn đến hoạt động chế biến của 2 nhà máy đường tại Gia Lai là nhà máy đường An Khê gắn với vùng nguyên liệu các huyện Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Kbang và nhà máy đường của Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai (SEC)- vùng nguyên liệu các huyện Phú Thiện, Ia Pa, thị xã Ayun Pa…
Xe chở nguyên liệu vào nhà máy chế biến đường Công ty Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai (SEC). Ảnh: Thanh Luận |
Không chỉ với mục đích cần phát triển vùng liệu rải vụ thích hợp nhằm kéo dài thời gian ép đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định 3.000 ha, 2 vụ ép vừa qua, Công ty cổ phần đường Kon Tum mở rộng gần 550 ha nguyên liệu mía sang tỉnh Gia Lai tại các xã Chư Jôr, Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah và đặc biệt là các xã Krong và Sơ Pai, thuộc khu vực phía Bắc huyện Kbang.
Việc mở rộng vùng nguyên liệu mía sang huyện Kbang của Công ty cổ phần đường Kon Tum khiến tình trạng cạnh tranh nguyên liệu mía khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai càng nóng hơn khi nhiều năm qua, Kbang và các huyện Kông Chro, Đak Pơ… trong khu vực này được xem là vùng tranh chấp nguyên liệu giữa các tư thương chuyên thu gom mía cung ứng cho các nhà máy đường Kon Tum, Bình Định, thậm chí nhà máy đường ở xa như Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên… hưởng chênh lệnh giá.
Mối quan hệ nhà máy- nhà nông trước thách thức cạnh tranh
Tại vùng nguyên liệu mía phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai, mỗi ngày có hàng chục “đầu nậu” từ Kon Tum toả xuống, từ miền xuôi Phú Yên, Bình Định thậm chí Cam Ranh đi ngược lên các xã Ia Sol, Ia Peng, Ia Hiao, Chưrô Pơnan… huyện Phú Thiện, Pờ Tó, huyện Ia Pa; Sơ Ró, Yang Trung, Chơ Long… huyện Kông Chro… đổ xô mua nguyên liệu mía, kể cả mía non người nông dân mới trồng được vài tháng chưa đến tuổi thu hoạch với mức giá tại ruộng 700.000-850.000 đồng/tấn.
Ảnh: Thanh Luận |
Theo điều tra của chúng tôi, riêng tại vùng nguyên liệu phía Đông Nam tỉnh Gia Lai do Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đầu tư chỉ trong 4 vụ ép vừa qua, doanh nghiệp này đã bị tư thương mua “hẫng tay trên” gần 46.500 tấn nguyên liệu. Có lẽ vì vậy, vài năm trở lại đây, vào giữa vụ ép, vào khoảng tháng 1, tháng 2 hàng năm, các doanh nghiệp đầu tư thường báo cáo tình trạng tranh mua nguyên liệu lên Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp Hội mía đường Việt Nam, UBND tỉnh Gia Lai nhờ can thiệp nhưng “đâu vẫn hoàn đấy”- tình trạng cạnh tranh nguyên liệu vẫn liên tục tiếp diễn.
Nỗ lực của doanh nghiệp là vậy, tuy nhiên trước với những thủ thuật thu gom mía của tư thương khiến nhà nông lẫn doanh nghiệp cùng thiệt hại khi quan hệ vốn đã gắn bó từ trước đang dần bị phá vỡ”.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai vẫn còn tồn gần 1,3 tỷ đồng nợ đọng lại của những hộ dân cung ứng nguyên liệu theo hợp đồng. Được biết, những hộ này không phải gặp khó khăn trong sản xuất mà cố tình chây ỳ trả nợ đầu tư cho doanh nghiệp để bán mía cho tư thương. Việc tranh mua này không chỉ khiến các nhà máy đầu tư nguyên liệu đối mặt với bài toán thiếu nguyên liệu mà nguy hiểm hơn là tình trạng phá vỡ hợp đồng thu mua nguyên liệu theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân nợ không chịu trả tiền mà nhà máy đã đầu tư.