Bài 2: Những hệ lụy khó lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với tổng giá trị đầu tư cam kết khoảng 50.000 tỷ đồng, ngành chăn nuôi Tây Nguyên được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ. Viễn cảnh giá trị kinh tế lớn, lợi nhuận cao khiến chính quyền các tỉnh nhiệt tình đón nhận, tạo điều kiện hết mức để các dự án được nhanh chóng triển khai. Tuy nhiên, hàng chục ngàn ha đất mà các dự án sử dụng là đất rừng hoặc đất người dân đang canh tác đặt ra những mối lo và hệ lụy lớn lao về xã hội, môi trường.

Viễn cảnh như mơ

Theo thuyết trình của đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi xin đầu tư vào Đak Lak, trên diện tích 4.000 ha đăng ký, Tập đoàn sẽ đầu tư 320 triệu USD cho phần chăn nuôi và 150 triệu USD cho nhà máy sữa. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm, dự án có thể đem lại lợi nhuận khoảng 4.650 tỷ đồng và nộp ngân sách hơn 1.023 tỷ đồng. Tính ra, cứ mỗi ha nuôi bò, doanh nghiệp sẽ lãi hơn 1 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách hơn 250 triệu đồng.

 

Các dự án chăn nuôi bò ngàn tỷ ồ ạt mọc lên. Ảnh: N.N
Các dự án chăn nuôi bò ngàn tỷ ồ ạt mọc lên. Ảnh: N.N

Hoan nghênh những dự án nuôi bò và để giúp doanh nghiệp sớm thoát khỏi rắc rối đền bù, nhanh chóng triển khai những dự án siêu lợi nhuận, UBND tỉnh Đak Lak đã trình HĐND tỉnh và được phê duyệt kế hoạch chuyển đổi 36.000 ha đất rừng sang đất trồng cây ngắn ngày. Trong đó, 16.000 ha là đất lâm nghiệp người dân đang sản xuất; 20.000 ha còn lại là đất rừng chuyển đổi để trồng cỏ nuôi bò.

Theo ông Vũ Văn Đông- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đak Lak, đây chỉ là diện tích rất nhỏ, không ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng của địa phương. “Chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh Đak Lak là phải giữ được rừng. Nhưng với tổng diện tích hơn 600.000 ha đất lâm nghiệp của tỉnh mà chỉ chuyển đổi hơn 20.000 ha thì rất bé nhỏ. Chúng tôi tính ra chỉ 2-3% thôi. Ngoài những vùng đã chuyển thì những vùng còn lại phải tập trung tái tạo, nâng cao chất lượng rừng”-ông Đông biện giải cho việc chuyển đổi đất của tỉnh Đak Lak.

 

Sau nhiều năm làm việc và nghiên cứu tại Tây Nguyên, Tiến sĩ Trương Tấn Khanh-Phó Trưởng khoa Chăn nuôi- Thú y, Trường Đại học Tây Nguyên cảnh báo: “Có 2 điều mà các nhà quản lý phải tính đến đó là những tác động xã hội và môi trường sẽ xảy ra đối với các dự án chăn nuôi bò. Đất ở những vùng dự án sẽ bị dồn vào các công ty. Cứ 10.000 con bò thì cần khoảng 1.000 ha, và đất ở chỗ này nhiều lên thì chỗ khác sẽ ít đi, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân xung quanh. Ảnh hưởng thứ hai là môi trường. Ở các trại lớn đang xảy ra vấn đề về môi trường, nên ngay từ đầu phải lo vấn đề này”.

Trước viễn cảnh siêu lợi nhuận, siêu đóng góp cho ngân sách mà các doanh nghiệp thuyết minh, tất cả các tỉnh Tây Nguyên đều tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phục vụ dự án chăn nuôi bò. Trong đó, chỉ tính riêng Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã được phép khảo sát 20.000 ha để tìm ra 7.500-8.000 ha đất dự án chăn nuôi bò, tập trung chủ yếu tại Đak Nông và Đak Lak. Và không chỉ hứa hẹn mang lại lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách, các dự án còn vẽ ra những bức tranh tươi sáng cho người dân vùng dự án giải quyết việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân…

Hiện thực bất ổn

Dù viễn cảnh các doanh nghiệp vẽ ra rất hoành tráng, nhưng thực tế một số dự án không như vậy. Xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đak Nông) là một trong những nơi được lựa chọn để triển khai dự án chăn nuôi bò. Người dân vùng dự án chưa kịp vui mừng thì đã ngập tràn nỗi lo. Dự án nuôi bò sữa tại đây được UBND tỉnh Đak Nông phê duyệt cho Tập đoàn Đức Long Gia Lai triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư dự kiến 850 tỷ đồng, quy mô trang trại nuôi 10.000 con bò sữa và trồng cây nông nghiệp ngắn ngày công nghệ cao. Dự án hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế-xã hội của vùng đất khó Krông Nô. Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Đak Nông giao cho UBND huyện Krông Nô xem xét lại quỹ đất và lập phương án đền bù hỗ trợ người dân trong vùng dự án thỏa đáng.

Chủ trương thì đúng nhưng khi triển khai đã xảy ra nhiều vướng mắc, khiếu kiện. Hàng chục hộ dân trong vùng đang rất bức xúc khi diện tích đất sản xuất của họ bị thu hồi giao cho dự án nuôi bò nhưng chỉ được hỗ trợ, đền bù với giá rẻ mạt (5 triệu đồng/ha).

 

Trong vòng 5 năm (2010-2014), Tây Nguyên mất đi hơn 300.000 ha rừng, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%. Không những diện tích mà cả trữ lượng cũng giảm mạnh. Trong vòng 5 năm, trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m3, tương ứng giảm 17,4%. Trong đó, diện tích rừng được đánh giá là khu vực rừng giàu đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Với giá đền bù quá thấp, bà Amí Khôi (thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) bức xúc: “Cả gia đình tôi có 11 nhân khẩu, cuộc sống chỉ trông chờ vào 1,5 ha đất được gia đình khai hoang mười mấy năm rồi. Vậy mà giờ họ thu chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha thì gia đình tôi làm sao mà sống được, lấy gì mà làm ăn, sinh sống?”. Với 5,7 ha đất rẫy nhưng chỉ được bồi thường 62 triệu đồng, ông Phan Tâm (thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú) kiến nghị: “Đền bù như thế là quá rẻ mạt. Tôi đề nghị chính quyền và doanh nghiệp xem lại, không thể ép dân như thế được!”.

Dù người dân khiếu kiện, khiếu nại vì giá hỗ trợ, đền bù rẻ mạt nhưng với sự quyết tâm của cả chính quyền và doanh nghiệp, dự án chăn nuôi bò tại xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đak Nông) vẫn được triển khai.

Một điểm “nóng” bất ổn xã hội khác cũng đã hình thành vì dự án chăn nuôi bò là xã Ea Sol (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đak Lak). Vấn đề cạnh tranh giữa dự án và người dân diễn ra phức tạp khi nhà đầu tư (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Phước Thành) chỉ muốn đền bù tiền khai hoang với giá rẻ mạt. Tuy nhiên, tại Ea H’Leo, người dân còn được an ủi phần nào khi chính quyền địa phương vẫn có tiếng nói ủng hộ người dân. Ông Y Manh A Đrơng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo cho biết: “Chính quyền địa phương yêu cầu Công ty phải làm đúng quy định của Nhà nước. Khi thẩm định, chúng tôi mời lên nhưng Công ty ấy còn nặng lời với chúng tôi. Họ nói là xây dựng cao thế làm sao mà hỗ trợ được. Nhưng theo quy định của Nhà nước thì anh phải hỗ trợ tiền công khai hoang bằng 30% giá trị, tương đương 45 triệu đồng/ ha, nhưng Công ty xây dựng chưa tới 10% tức là 8 triệu đồng/ ha thì sao mà được!”.

Mối lo về rừng và môi trường

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có trại bò nào ở Tây Nguyên đóng góp ngân sách 250 triệu đồng/ha/năm như thuyết trình của doanh nghiệp, nhưng những sự cố và hệ lụy môi trường đã và đang phát sinh. Điển hình là việc Trang trại chăn nuôi bò thịt của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) tại xã Thành An (thị xã An Khê) xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Điều đáng lên án là một “siêu” dự án đã hoạt động cả gần 1 năm trời nhưng lại chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Để rồi, UBND tỉnh Gia Lai phải ra quyết định xử phạt Công ty này 400 triệu đồng vì những sai phạm liên quan tới môi trường.

Cũng liên quan tới vấn đề môi trường, tháng 2-2016, giữa lúc Tây Nguyên hạn kỷ lục, người dân huyện Ia Grai “tố” Công ty cổ phần Bò sữa Tây Nguyên (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) đắp đập, chặn suối để phục vụ tưới cỏ, bỏ mặc vườn cây của dân khô cháy. Sau những khiếu kiện, để tránh rắc rối, Công ty này buộc phải dỡ đập, trả lại nguồn nước cho dân.

 

 

Trong khi lợi nhuận to, đóng góp lớn cho ngân sách của những dự án nuôi bò mới chỉ là triển vọng thì mùa khô 2015- 2016, Tây Nguyên đã gánh chịu hậu quả to lớn của đợt hạn kỷ lục trăm năm. Giữa đỉnh điểm của hạn, mới thấy giá trị của rừng thực sự to lớn. Cũng giữa đỉnh điểm của hạn, mới thấy tác động của các dự án chăn nuôi bò đến môi trường là không hề nhỏ.
Tây Nguyên cần phát triển, nhưng không thể phát triển ồ ạt, bất chấp những rủi ro về môi trường, bất ổn về xã hội. Các tỉnh trong khu vực càng phải cẩn trọng hơn vì những hệ lụy xã hội-môi trường của những dự án chuyển đổi rừng, đất rừng trước đây chưa kịp rút kinh nghiệm. Viễn cảnh của những dự án ngàn tỷ có thể chỉ là “ảo” nhưng hệ lụy thì đã hiện hữu.

Nguyễn Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.