Bài 2: Làng Nú, bến đò A Sanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bến đò A Sanh ngày ấy là một bến nhỏ trên bãi cát dài và rộng chạy dọc theo triền sông. Ven mép nước, những con thuyền độc mộc neo đậu, mũi thuyền dập dềnh lên xuống theo nhịp sóng nước chảy qua ghềnh đá tung bọt trắng xóa hắt lên không trung thành làn sương mỏng, mờ ảo...

Bến đò A Sanh. Ảnh: Thanh Phong
Bến đò A Sanh. Ảnh: Thanh Phong

Tôi đến làng Nú, xã Ia Krái (nay thuộc xã Ia Khai) lần đầu vào năm 1983, cùng đi với anh Rơ Chăm Lơng-Trưởng phòng Giáo dục huyện Chư Pah cũ (nay là Ia Grai). Ngày ấy, đường vào làng còn là đường đất pha cát chạy giữa cánh rừng thưa, bấy giờ làng Nú nằm sát sông Sê San (người dân ở đây còn gọi là Pô Cô). Khác với nhiều buôn làng khác ở Tây Nguyên, vào làng đập vào mắt chúng tôi là những mảnh lưới được bà con phơi trước sân, một vài phụ nữ đang vá các mắt lưới treo dưới sàn nhà. Dựa vào vách liếp là vài ba mái chèo. Tối ấy, chúng tôi được người làng chèo thuyền đưa qua bên kia sông để săn, anh Lơng bắn được con chồn hương mang về nướng uống rượu rồi ngủ bên bờ sông. Sáng sớm anh còn thả lưới bắt được nửa gùi cá, trong đó có đến 2 chú cá chép nặng gần chục ký. Tôi đã đến bến đò A Sanh, bến đò ngày ấy là một bến nhỏ trên bãi cát dài và rộng chạy dọc theo triền sông. Ven mép nước là những con thuyền độc mộc neo đậu, mũi thuyền dập dềnh lên xuống theo nhịp sóng nước chảy qua ghềnh đá tung bọt trắng xóa hắt lên không trung thành làn sương mỏng, mờ ảo...

Hơn 10 năm sau, tháng 6-1997, tôi có dịp đến làng lần thứ 2, đi cùng đồng nghiệp Đức Thanh. Lần này vào làng với mục đích tìm gặp ông Puih San (tức A Sanh), lúc này ông chưa được phong anh hùng. Đường vào vẫn khó đi như lần trước. Vào làng thì được biết ông đã dời ra làng Pi Djom gần ngã ba Ia Khai. Vậy là hai anh em đành quay xe trở ra. Đến nhà thì ông đã lên nương, phải nhờ người nhà đi gọi, gần một giờ sau ông về. Lúc này ông đã được chính quyền địa phương xây cho một ngôi nhà kiên cố nhưng theo tập quán ông vẫn ở nhà sàn phía sau. A Sanh, đấy là một người đàn ông Jrai cao trên mét bảy, gầy nhưng nét mặt cương nghị. Việc đầu tiên là ông hỏi chúng tôi ăn cơm chưa và lấy gạo ra vo nấu. Anh Thanh và tôi chạy ra vườn hái ít đọt bầu bí xanh tốt bởi đang giữa mùa mưa. Vậy mà bữa cơm trưa đạm bạc hôm đó chúng tôi ăn ngon như chưa bao giờ được ăn. Xong bữa, mới lân la hỏi chuyện ông về những năm tháng chống Mỹ. Động viên mãi, ông mới lôi từ trong chiếc thùng đựng đạn đại liên ra không biết bao nhiêu là huân-huy chương cùng những tờ giấy chứng nhận đã bạc màu... Giọng trầm buồn, ông kể, bến ông chèo thuyền đưa bộ đội sang sông gọi là Phà 10, được che kín nhờ hàng cổ thụ ven bờ, ban ngày máy bay địch cũng không phát hiện được. Ông nhớ mãi đêm đưa bộ đội sang sông tham gia chiến dịch Plei Me ông đã không kiên quyết ngăn các chú bộ đội trẻ cứ trèo cả lên thuyền, đến giữa sông thuyền tròng trành, thế là... Về, tôi viết bài phóng sự khá dài về cuộc hạnh ngộ ấy cùng chiến tích của ông trong những năm tháng chèo đò đưa bộ đội qua sông, sau tôi nhiều đồng nghiệp ở các báo khác cũng có nhiều bài viết về ông. Một năm sau, Puih San được phong Anh hùng và năm 2000 thì ông mất...

 

A Sanh, tức Puih San (1937-2000) là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (được phong ngày 22-8-1998), dân tộc Jrai, người xã Ia Krái (nay là Ia Khai) huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.


A Sanh nổi bật trong chiến đấu với thành tích nhiều lần lái đò đưa bộ đội qua sông tham gia chiến dịch Plei Me. Nhà thơ Mai Trang (Nguyễn Thị Ngọc Oanh) đã sáng tác bài thơ Người lái đò trên sông Pô Cô sau đó được nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng (cùng tên) từng liên tục được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát sóng suốt thời gian chiến tranh Việt Nam.

Đầu tháng 4 năm nay, tôi lại lên làng Nú, một mình một ô tô bon trên con đường trải nhựa vào tận làng. Đây là làng Nú mới. Ngôi làng cũ nay chỉ còn lại ít dấu tích bởi làng đã dời lên vị trí cao hơn nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sê San 3A. Cánh rừng thưa năm nào giờ thay bằng những vườn điều tiếp nối nhau đang mùa quả chín vàng, thơm ngát. Làng Nú mới khá sung túc, nằm dưới bóng mát của tán điều, nhà nào cũng xây kiên cố nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ dời dân lòng hồ. Vào nhà Trưởng thôn Rơ Lan Hươn, anh vắng nhà. Bí thư chi bộ thôn Puih Luyét đưa tôi đi thăm làng và tâm sự chuyện làng với tôi. Vậy là làng Nú đã dời lên đây từ năm 2003, được hỗ trợ làm nhà, đào giếng. Làng hiện có 78 hộ, 345 khẩu, mỗi hộ dân trong làng được cấp 9 sào đất, trồng cao su và trồng điều. Điện vừa kéo về vài năm nay. Điểm trường tiểu học và lớp mẫu giáo nằm bên ngôi nhà rông giữa làng. Có 3 vấn đề mà anh trăn trở “nhờ nhà báo nói giùm”: Một là quỹ đất quy hoạch khu nhà mồ của làng đã bị người dân lấn chiếm dần, hai là làng đang thiếu nước sinh hoạt do các giếng đào đều đã cạn khô, ba là cánh đồng khai hoang 110 ha đều nằm trên vùng đất nền đá, không thể trồng lúa nước được. Hầu hết bà con trong làng đều trồng ít lúa rẫy trên đất làng cũ.

Anh Luyét mượn xe gắn máy chở tôi xuống thăm bến đò A Sanh trên con đường mòn hẹp, gồ ghề, một bên là vườn điều và một bên là con mương sâu, cạn khô, rất nguy hiểm. Bến đò nằm ở khu vực làng cũ, cách làng mới chừng 2 km. Đâu rồi bãi cát dài năm xưa chúng tôi đã từng ngủ qua đêm, đâu rồi ghềnh đá bọt nước trắng xóa, những con thuyền độc mộc một thời? Cũng không còn những hàng cây lộc vừng ven bờ tím biếc. Tất cả đã đi vào ký ức bởi trước mắt tôi giờ là một dòng sông rộng, đầy ắp nước, vài con thuyền sắt chở người qua lại, máy nổ vang một khúc sông. Bến đò A Sanh năm nào đã chìm sâu dưới làn nước, bến bây giờ chỉ còn là một bản sao...

Vẫn biết “thương hải biến vi tang điền” là lẽ đương nhiên của sự phát triển xã hội, tuy nhiên đứng trước dòng sông gắn liền với bài hát nổi tiếng “Người lái đò trên sông Pô Cô” giờ thay đổi quá nhiều, lòng tôi không khỏi cảm thấy nao nao. Được biết ngành Văn hóa đã làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận Bến đò A Sanh là di tích lịch sử cấp tỉnh. Dẫu sao đây cũng là tin vui cho huyện Ia Grai cùng người dân làng Nú và những ai đã từng gặp, yêu mến người lái đò trên dòng Pô Cô-A Sanh. Bến đò xưa dẫu đổi thay nhưng chiến công của ông cùng đồng đội thì vẫn còn đó, mãi mãi khắc ghi trong tâm tưởng của bao thế hệ người làng Nú bên bờ con sông huyền thoại...

 

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.