(GLO)- Chuyện cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) gây lãng phí là vậy, riêng với Gia Lai là tỉnh nghèo, nhưng mỗi năm con số kết dư từ nguồn quỹ BHYT của tỉnh với con số vài trăm tỷ đồng lại tìm đường đi “tỉnh lớn”, trong khi đó người dân trong tỉnh luôn phàn nàn về chuyện thiếu thuốc, thuốc rẻ tiền, dịch vụ y tế còn thiếu.
Chuyện thu và chi
Theo tổng hợp từ Bảo hiểm Xã hội tỉnh, trong năm 2011, 2012 toàn tỉnh có 1.894.474 đối tượng từ 2.131 đơn vị tham gia bảo hiểm, với mức thu 2.229 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2012 có 973.502 đối tượng tham gia nộp 1.282 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2011. Qua con số trong hai năm cho thấy, kết quả tuyên truyền, vận động người dân tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp là công lao không nhỏ của toàn ngành Bảo hiểm Xã hội tại địa phương, điều này cho thấy ý thức tham gia bảo hiểm của người dân ngày cao hơn.
Mức thu và số đối tượng tham gia mỗi năm luôn cao hơn so với năm trước, riêng số người đến khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế dù có tăng, nhưng việc chi trả thanh toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT ở mức 206,7 tỷ đồng năm 2011 cho trên 837.000 lượt người; năm 2012 là 247,345 tỷ đồng cho trên 883.800 lượt người. Và vấn đề được người dân, lãnh đạo tỉnh quan tâm là những con số kết dư hàng năm từ quỹ BHXH quá lớn, như: năm 2011, tổng số tiền kết dư quỹ BHYT của tỉnh là 198 tỷ đồng, năm 2012 là 263,7 tỷ đồng. Nguyên nhân này được Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho là tỉnh có nhiều đối tượng được hưởng thụ chính sách hỗ trợ mua BHYT, điều đó góp phần đẩy nhanh việc tăng các đối tượng tham gia BHYT, nguồn thu BHYT tăng. Tuy vậy, mức chi lại quá thấp so với mức thu, còn chuyện người dân khám, nhận thuốc tại các cơ sở y tế phần lớn là những loại thuốc “rẻ tiền”.
Người dân khám, nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giác |
Qua trao đổi với một số bác sĩ trong ngành cho biết, quỹ bảo hiểm của tỉnh năm nào cũng dư nhiều, còn việc đấu thầu thuốc của tỉnh ta sao lại không thay đổi cơ chế mà lại luôn chọn những loại thuốc rẻ. Ví dụ các bệnh nhân mắc bệnh nan y như tiểu đường, hô hấp, tim mạch thì khi bệnh nhân đến khám cũng chỉ có những loại thuốc thông thường, có viên chỉ vài trăm đồng, số tiền thuốc cho một lần khám đôi khi chỉ vài ba chục ngàn đồng. Trong khi đó, nếu người dân tham gia bảo hiểm khám bệnh tại các thành phố lớn thì luôn nhận được những loại thuốc cao cấp hơn, mỗi toa lên đến cả triệu đồng và chắc hẳn toa thuốc nhiều tiền hơn thì chất lượng trong điều trị cũng phải tăng lên.
Ông Lê Đình Kháng-cán bộ Cục Mỏ địa chất Trung ương, về hưu được 8 năm, hiện đăng ký khám-chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông cho biết: Mấy năm nay về hưu, mỗi lần đến khám nhận thuốc tại bệnh viện thì đều nhận được nhiều thuốc, nhưng chất lượng tốt hay không thì chúng tôi không biết được, bác sĩ chỉ sao uống vậy. Nhưng nói thật, đau thì uống vậy thôi chứ thuốc bảo hiểm uống sao cho hết bệnh.
Giám đốc Sở Y tế-ông Mai Xuân Hải thì cho rằng: Bệnh nào thuốc đó, khi bệnh viện cấp thuốc tốt, cao tiền thì dân lại nói sao cao tiền thế (do thực hiện cùng chi trả). Chúng tôi luôn thực hiện đúng quy định trong đấu thầu thuốc, thời gian đến sẽ tăng cường các nguồn thuốc chuyên khoa, biệt dược, nhiều nhóm thuốc điều trị khác nhau đảm bảo phục vụ tốt cho số đông người bệnh khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế.
Nâng cao chất lượng y tế bằng cách nào?
Ông Thới Văn Đạo-Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho rằng: Kết dư lớn là do Nhà nước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, thêm nhiều diện bắt buộc tham gia, số thu lớn. Nhưng cơ bản là các dịch vụ cung ứng cho BHYT tại tỉnh ta lại quá ít. Như người dân ở xã đến trạm khám điều trị không có dịch vụ nào ngoài mấy viên thuốc, kể cả bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh khi bệnh nhân đến điều trị thì các dịch vụ kỹ thuật cao cũng không có, do vậy người dân lại phải chọn cách đi tỉnh ngoài khám với dịch vụ cao hơn, chất lượng tốt hơn. Đầu tư hạ tầng, các trang-thiết bị về y tế, thu hút đội ngũ y-bác sĩ giỏi chuyên môn… sẽ giải quyết được chuyện kết dư quỹ bảo hiểm hàng năm của tỉnh. Cũng theo lãnh đạo BHXH tỉnh, thói quen khám bệnh của người dân tại địa phương vẫn còn rất ít, tỷ suất khám của người dân trong tỉnh, trung bình 3 năm qua, có 0,88 lần/người/năm (tỉnh Đak Lak đạt 1,7 lần/người/năm. Một phần khác là ở khâu đấu thầu thuốc tại tỉnh ta gặp nhiều vướng mắc, trong khi đó tỷ trọng thuốc chiếm gần 70% cho việc khám BHYT, do không có dịch vụ khác.
Chuyển giao kỹ thuật cao trong mổ Phaco tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giác |
Về vấn đề này, tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, ông Phạm Đình Thu-Chủ tịch HĐND tỉnh, nêu quan điểm: “Tiền BHYT là tiền của người dân đóng góp, nếu để dư lớn vậy là rất lãng phí, mà người dân lại không được thụ hưởng quyền lợi của mình về chất lượng dịch vụ y tế. Tôi đề nghị lãnh đạo hai ngành Bảo hiểm Xã hội và Y tế nên xem xét và cùng phối hợp với nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề này”. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã có văn bản trả lời, quỹ kết dư tại các tỉnh sẽ nộp vào quỹ dự phòng BHXH của cả nước.
Việc đấu thầu thuốc cho người dân luôn dựa trên nguyên tắc chọn gói thầu rẻ nhất, đến thời điểm giữa 7-2013, Sở Y tế chỉ mới tổ chức đấu thầu được 12/17 gói thầu, và việc này dẫn đến chuyện thiếu thuốc tại cơ sở y tế, bác sĩ kê toa cho người dân mua ngoài như người dân phản ánh. Nhằm tạo cơ chế thoáng hơn cũng như giảm áp lực trong việc đấu thầu thuốc từ Sở Y tế, vừa qua các đơn vị, ngành quản lý đã thống nhất cho các cơ sở y tế thực hiện việc chào hàng cạnh tranh theo quy định tránh tình trạng thiếu thuốc do đấu thầu chậm trong thời gian đến.
Áp dụng kỹ thuật cao, đặc biệt là các khoa lẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trong những năm gần đây đã được tỉnh quan tâm đầu tư hoặc bệnh viện được hỗ trợ, tuy nhiên những kỹ thuật mới vẫn chỉ ở con số lẻ do vậy vẫn còn rất nhiều người bệnh phải lặn lội đến các tỉnh khác để khám, điều trị gây tốn kém, lãng phí tiền của. Nhưng nguồn kinh phí nào để đẩy nhanh đầu tư nhiều hơn cho ngành Y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, đây sẽ là chuyện không dễ đối với một tỉnh nghèo như Gia Lai.
Nguyễn Giác-Hồng Thi