(GLO)- Theo quy hoạch ban đầu, trên địa bàn tỉnh có 73 dự án công trình thủy điện. Đến năm 2013, sau khi tiến hành rà soát đã loại bỏ 19 dự án. Đến tháng 5-2014 thực hiện Nghị quyết 11 của Quốc hội tiến hành rà soát lại để điều chỉnh, Gia Lai còn lại 54 thủy điện; và đến tháng 8-2014 tiếp tục loại ra khỏi quy hoạch 8 thủy điện nhỏ nữa. Đến nay, toàn tỉnh còn lại 46 thủy điện. Qua rà soát cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng nhiều công trình, nhất là những công trình nhỏ và vừa chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và hiệu quả tổng hợp kinh tế-xã hội.
Hiệu quả về kinh tế
Những công trình lớn trên địa bàn do EVN làm chủ đầu tư xây dựng gồm: Ia Ly, Sê San 3, Sê San 4, An Khê-Ka Nak đã đi vào vận hành ổn định, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Thủy điện Ia Ly. |
Ông Nguyễn Hữu Tuấn-Phó Bí thư thường trực Đảng ủy EVN khẳng định về những đóng góp của 4 nhà máy thuộc EVN trên địa bàn. ước tính, sản lượng điện của các nhà máy này đến nay đạt hơn 60 tỷ kwh điện (quy giá trị tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng). Đặc biệt, nguồn thủy điện đó đã kịp thời cung cấp truyền tải điện cho các tỉnh phía Nam.
Các công trình này thực hiện đa mục tiêu: hạn chế, giảm đỉnh lũ hàng năm lên đến 20-30%; điều tiết nước tưới cho cây trồng vùng hạ du mùa khô; cung ứng điện để công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; khai thác tiềm năng thủy điện hiệu quả đã góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước (dự kiến năm nay sẽ nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng). Từ khi triển khai nộp phí dịch vụ môi trường rừng, các nhà máy này đã đóng hơn 400 tỷ đồng. Về kinh tế, các công trình này mang lại hiệu quả rất lớn.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, công tác an toàn hồ đập được quan tâm đúng mức, đảm bảo ổn định vận hành trong phòng-chống thiên tai, lũ lụt. Các nhà máy đã thực hiện cắm mốc các vùng phụ cận bảo vệ hồ đập, các chủ đập trên cùng lưu vực sông đã ký cơ chế phối hợp vận hành các công trình điều tiết chống lũ trên cùng lưu vực sông. Công tác phối hợp trong việc vận hành liên hồ chứa nhìn chung tương đối tốt, đảm bảo không để xảy ra tình trạng vận hành gây lũ kép. Công tác bồi thường, di dân tái định cư đã cơ bản hoàn thành.
Môi trường bị ảnh hưởng
Trong khi đó, tại một số công trình, việc quản lý chất lượng xây dựng, bảo đảm an toàn vận hành khai thác, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, gây tác động tiêu cực.
Sự cố vỡ đê quây công trình thủy điện Ia Krêl 2 gây thiệt hại hoa màu của người dân. Ảnh: Minh Triều |
Qua kiểm tra, những công trình lớn của EVN quản lý đều có các phương án phòng-chống bão lụt, kiểm định an toàn đập theo đúng quy trình. Còn các thủy điện vừa và nhỏ do tư nhân làm chủ đầu tư, chỉ có khoảng 50% đáp ứng yêu cầu.
Trên thực tế, các công trình thủy điện lớn làm theo quy định với trình tự rất chặt chẽ, trong khi các công trình nhỏ do tư nhân làm chủ đầu tư thì ngược lại. Cơ quan quản lý chỉ thẩm tra hồ sơ thiết kế cơ sở nên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn lỏng lẻo.
Qua kiểm tra đột xuất, một số công trình có dòng chảy điều tiết không đảm bảo. Quy định nêu rõ lưu lượng dòng chảy, tùy thời gian và thời điểm trong năm mà có sự điều tiết và phối hợp với địa phương sao cho hợp lý để đảm bảo nguồn nước sản xuất vùng hạ lưu.
Tình trạng thiếu an toàn của thủy điện phần lớn do nhà đầu tư yếu kém trong quản lý xây dựng, thiếu trách nhiệm để các nhà thầu thi công ẩu. Nhiều công trình không có báo cáo tác động môi trường. Tình trạng này không chỉ làm lãng phí vốn đầu tư mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho vùng hạ lưu.
Thảo Nguyên