(GLO)- Trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản là đóng các khoản thuế và lệ phí bảo vệ môi trường… Tuy nhiên hiện nay nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định nhưng vẫn tiếp tục khai thác.
Trong 66 giấy phép còn hiệu lực khai thác khoáng sản, có 12 mỏ được UBND tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường, 54 mỏ có xác nhận cam kết bảo vệ môi trường. Việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua không đấu giá khoáng sản được thực hiện khá kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt 62 mỏ (kể cả các mỏ cấp theo dự án) với số tiền 83.172.237.080 đồng. Trong đó, số tiền phải nộp từ ngày 1-7-2011 đến ngày 31-12-2013 là 19.114.152.854 đồng, hiện số tiền này chưa thu theo Văn bản số 1014/ ĐCKS-KTĐCKS ngày 9-7-2014 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản hướng dẫn công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Như vậy số tiền từ ngày 1-1-2014 trở về sau là 64.058.084.226 đồng, số tiền doanh nghiệp phải nộp năm 2014 là 25.288.847.347 đồng và số tiền doanh nghiệp phải nộp năm 2015 là 12.381.187.441 đồng (19 mỏ tính đến hết tháng 4-2015). Tổng số tiền doanh nghiệp đã nộp tính đến thời điểm ngày 21-4-2015 là 7.913.710.486 đồng, số tiền còn lại các doanh nghiệp phải nộp đến hết năm 2015 là 29.756.324.302 đồng.
Tính đến ngày 31-3-2015, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh đã nhận ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức cá nhân được phép khai thác là 11.342.209.091 đồng. Số tiền này vẫn chưa được sử dụng, vì hiện nay chưa có tổ chức cá nhân nào xác nhận đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường nên Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh chưa hoàn trả tiền ký quỹ cho các đơn vị đã khai thác. (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường) |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn thấp là do một số doanh nghiệp chưa đến thời hạn cuối cùng phải nộp theo thông báo của cơ quan thuế. Hoặc các doanh nghiệp đã được cấp phép mỏ trước khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, dù có thông báo vẫn chưa nộp.
Đặc biệt, trong số 63 mỏ đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt đề án cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền 40.838.670.050 đồng, từ năm 2012 đến 2014 có 50 mỏ đã nộp tiền lần đầu và các lần tiếp theo với số tiền ký quỹ là 12.818.429.736 đồng, năm 2015 là 188.169.924 đồng tại Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, các ngân hàng và tổ chức tín dụng địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh gửi thông báo đến các doanh nghiệp đôn đốc việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định nhưng đến nay vẫn còn 46 mỏ chưa nộp đủ số tiền ký quỹ theo kỳ phải nộp với số tiền 10.174.964.224 đồng.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân của việc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác chậm trễ nộp thuế tài nguyên môi trường và phí dịch vụ môi trường là do trước đây UBND các huyện phê duyệt tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường nhưng chưa tính đúng, tính đủ theo quy định.
Sau khi UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện rà soát tính lại số tiền ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định thì UBND huyện đã phê duyệt điều chỉnh số tiền ký quỹ vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013 nên số tiền ký quỹ điều chỉnh tăng lên so với số tiền ký quỹ đã phê duyệt trước đây nên một số doanh nghiệp khó khăn về tài chính chưa nộp đủ tiền.
Thống kê của Cục Thuế tỉnh về kết quả thu ngân sách nhà nước về thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản từ năm 2012 đến 2014 thì tổng mức thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường năm 2012 là 22,8 tỷ đồng; năm 2013 là 33,9 tỷ đồng và năm 2014 thu 26,5 tỷ đồng. Cũng từ năm 2012 đến 2014 một số công ty khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nộp tiền thuê đất và các loại thuế, phí khác liên quan như Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai nợ 234 triệu đồng tiền thuê đất; DNTN Gia Hải nợ 65,3 triệu đồng…
Nguyễn Diệp