(GLO)- Khó ai tưởng tượng đến ngày các cơ sở đào tạo lái xe tỉnh ta lại “đỏ mắt” chờ học viên đến vậy, thậm chí có cơ sở cả 2 tháng trời vẫn không có đủ học viên để khai giảng-khác xa thời “hoàng kim” trước đây khi mà hồ sơ luôn chất đống, học viên phải “mỏi mòn” đợi 1 năm, 2 năm mới đến lượt... Giờ đây, để thu hút học viên, nhiều cơ sở đã phải “tung” người đi các huyện tuyển sinh, trích phần trăm cho người giới thiệu và đầu tư mới các trang thiết bị để cạnh tranh.
Lưu lượng học viên chỉ đạt 50% chỉ tiêu
Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, thời gian gần đây số lượng học viên đăng ký tham gia các khóa học lái xe ô tô tại các cơ sở đào tạo lái xe của tỉnh giảm đáng kể, có thời điểm lưu lượng học viên chỉ đạt 50% định mức cho phép (lưu lượng đào tạo cho phép là 2.520 học viên). Nguyên nhân chủ yếu là do mức học phí tăng cao và việc siết chặt quản lý công tác đào tạo khiến nhiều học viên không dám đăng ký hoặc “xé rào” đến các tỉnh khác để học.
Qua khảo sát thực tế tại một số cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh chúng tôi không khỏi xót xa bởi bãi tập trống trơn, Trung tâm Sát hạch được đầu tư hàng chục tỷ đồng mà chỉ lác đác vài chiếc xe vào tập. Ông Đoàn Hữu Phương-Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Lái xe thuộc Công ty TNHH Vận tải Ô tô cho biết: “Cách đây vài ba năm, lượng học viên đăng ký rất đông, có người phải chờ cả năm, năm rưỡi mới được khai giảng.
Giờ học thực hành ở một cơ sở đào tạo lái xe. Ảnh: Lê Lan |
Lúc đó, mỗi khóa khai giảng cả 100 học viên. Thế nhưng từ giữa năm 2011 đến nay, lượng học viên đăng ký giảm hẳn, chỉ được 40-50% so với trước đây. Mới đây Trung tâm vừa khai giảng một khóa mà chỉ có 46 học viên! Nếu cứ tiếp tục như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Trung tâm”.
Tình trạng giảm học viên, thiếu học viên không chỉ xảy ra ở Trung tâm Dạy nghề Lái xe mà là tình trạng chung của các cơ sở đào tạo lái xe khác trên địa bàn tỉnh hiện nay, thậm chí có trung tâm gần 2 tháng nay vẫn chưa đủ học viên để khai giảng. Chẳng hạn như Trung tâm Đào tạo Lái xe Gia Lai từ đầu năm 2012 đến nay vẫn chưa khai giảng khóa nào trong khi năng lực đào tạo của Trung tâm có lưu lượng là 970 học viên (cao nhất so với những trung tâm khác)…
Đâu là giải pháp?
Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm học viên như do tăng học phí, siết chặt quản lý, sự cạnh tranh gay gắt giữa các trung tâm... Hiện tỉnh ta có tới 6 cơ sở đào tạo lái xe ô tô. Ngoài 2 cơ sở như Trung tâm Dạy nghề Lái xe, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch Lái xe thì 4 cơ sở còn lại là của Quân đội và Công an gồm: Trung tâm Đào tạo Nghề tại Gia Lai, Trường Trung cấp Nghề số 21; Trường Trung cấp Nghề số 15 (hiện đang đầu tư) và một chi nhánh đào tạo lái xe ô tô của TP. Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Công an). Điều này dẫn đến một nghịch lý đó là nhu cầu học lái xe ngày càng bão hòa nhưng số lượng cơ sở đào tạo thì lại tăng lên.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp thu hút học viên, ông Phương cho biết: Trung tâm đã lập một tổ tuyển sinh “cơ động” đi các huyện để tuyển sinh, mở thêm các phân hiệu, chi nhánh tại Ayun Pa, Chư Sê để thu hút, đào tạo học viên tại chỗ (giai đoạn I). Đầu tư mới các trang-thiết bị, ô tô, sửa sang, nâng cấp phòng học lý thuyết... Trung tâm còn có cơ chế trích phần trăm cho người giới thiệu học viên. Tuy nhiên, đối tượng thi lấy giấy phép lái xe chủ yếu là công chức nhà nước, nhân viên các doanh nghiệp hoặc là người lao động, đa số đều đã đi làm nên chỉ học tranh thủ, đi học ngoài giờ. Việc học lý thuyết cũng ít được quan tâm…
Vì vậy, thời gian đầu họ thường ít đến lớp, khi Sở xuống kiểm tra thấy không đảm bảo sĩ số thì đình chỉ hoặc tạm dừng, gây ảnh hưởng rất lớn đối với kế hoạch đào tạo của Trung tâm. Còn người đi học thì chán nản vì thời gian kéo dài, nhiều người không thể đáp ứng yêu cầu, đã rút hồ sơ hoặc đến nơi khác để học. “Nên chăng, Bộ Giao thông-Vận tải cần siết chặt khâu “đầu ra” hơn là “đầu vào”. Tức là để giảm thiểu tai nạn giao thông do lỗi người lái, cần tăng độ khó và bổ sung thêm các nội dung trong phần sát hạch”-ông Phương nói.
Còn ông Đoàn Đức Lập- Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ô tô-người vừa có chuyến tham quan học tập ở một số nước châu Á cho hay: “Tại Trung Quốc, Hàn Quốc… phần lý thuyết được đưa lên mạng để học viên tự học (điều này rất phù hợp với giới văn phòng) và khi thi thì có thể đăng ký tự do, tùy thời gian, điều kiện học viên có thể lựa chọn thi lý thuyết hay thực hành trước hoặc sau, môn nào đạt điểm sẽ “qua” luôn chứ không giống “kiểu” Việt Nam: Nếu thi thực hành 2 lần trượt thì phải quay lại thi lý thuyết.
Điều này khá vô lý và gây áp lực cho người học. Ngoài ra xe ô tô tự động chưa có trong chương trình đào tạo thực hành lái xe là một “lỗ hổng” khá lớn, cần phải được khắc phục ngay nhằm tránh hiện tượng có giấy phép lái xe mà không dám lái hoặc có lái cũng rất nguy hiểm…
Lê Lan