(GLO)- Những lợi ích của mô hình xe ô tô đưa đón học sinh tại Gia Lai không chỉ giúp các bậc phụ huynh tiết kiệm thời gian, học sinh tập được tính kỷ luật, đúng giờ mà còn hạn chế tình trạng học sinh đi xe gắn máy tới trường và những phiền toái khi tham gia giao thông. Thế nhưng, việc quản lý dịch vụ này vẫn chưa được các cơ quan chức năng chú trọng đúng mức.
Việc triển khai và nhân rộng mô hình xe ô tô đưa đón học sinh tại các trường trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ cho thuê xe. Dịch vụ này đang ngày một gia tăng theo hướng có hệ thống.
Nhà xe tư nhân Phạm Anh Khoa (Phường Yên Đổ- TP. Pleiku) sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống xe đưa đón học sinh. Ảnh: Hồng Thi |
Tiên phong trong việc nhận hợp đồng đưa rước học sinh, nhà xe tư nhân Phạm Anh Khoa (phường Yên Đổ- TP. Pleiku) đã mở rộng hệ thống xe lên tới con số 17. Trong đó, có 14 xe hoạt động chủ yếu tại các trường trên địa bàn thành phố như: THPT Phan Bội Châu, THPT Hùng Vương, PT Nguyễn Văn Linh, THPT Phạm Hồng Thái… còn lại là các huyện lân cận.
Năm nay, nhà xe sẽ có thêm một hợp đồng với trường THPT Nguyễn Huệ (Đak Đoa). Riêng trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh, đã có tới 5 xe của nhà xe tư nhân Phạm Anh Khoa và hợp đồng kí kết là 3 năm. Nhà xe chỉ thỏa thuận với nhà trường về giờ giấc, còn lại họ tự sắp xếp như: Thu phí, lộ trình đưa đón, các tuyến xe… Theo chủ xe, căn cứ vào nhu cầu từ các nhà trường, dịch vụ xe đưa đón học sinh đang ngày càng phát triển mạnh. Tính riêng trên địa bàn TP. Pleiku hiện nay đã có tới 6-7 nhà xe mở dịch vụ này.
Từ tháng 8-2010, để công tác vận chuyển, đưa đón học sinh đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật, Sở Giáo dục-Đào tạo đã đề nghị các đơn vị trường phải có hợp đồng với doanh nghiệp hoặc cá nhân (gọi chung là chủ phương tiện đưa đón học sinh). Tuy nhiên, khi chọn đơn vị để hợp đồng đưa đón học sinh, các trường còn thiếu chú trọng trong việc kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn của phương tiện và người lái. Có những trường còn không trực tiếp ký hợp đồng mà giao phó việc này cho phụ huynh và nhà xe.
Nếu được điều hành và quản lý tốt hơn nữa thì phương tiện này sẽ tăng thêm niềm tin cũng như sự an tâm nơi các bậc phụ huynh và học sinh. Ảnh: Trần Dung. |
Chia sẻ về vấn đề trên, thầy giáo Nguyễn Chương- Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku- cho biết: “Việc xe đưa học sinh đến trường là việc giữa nhà xe với phụ huynh học sinh, nhà trường chỉ gián tiếp làm nhiệm vụ quản lý và phối hợp. Nhà trường không trực tiếp kí hợp đồng với nhà xe. Có nhiều kiến nghị của phụ huynh về việc xe quá tải khiến con em họ gặp khó khăn, nhưng trường hợp này chỉ xảy ra một vài lần, không đáng lo ngại”. Cũng theo các lái xe, mỗi xe có 51 ghế ngồi nhưng trung bình vẫn có thể chở được từ 60 đến 65 học sinh.
Việc quản lý hoạt động của xe ô tô đưa đón học sinh xem ra còn lỏng lẻo. Đến thời điểm này, ngay cả Phòng Kế hoạch- Tài chính- Vận tải (thuộc Sở Giao thông Vận tải) và Sở Giáo dục-Đào tạo cũng không có một bản báo cáo gì về loại hình vận tải này. Năm 2010, Sở Giao thông Vận tải đã gửi văn bản cho Sở Giáo dục-Đào tạo về việc quản lý loại phương tiện đưa đón học sinh bằng ô tô. Những chủ xe này phải đảm bảo các điều kiện về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký xe ô tô, giấy chứng nhận xe ô tô được phép lưu hành, giữa cơ sở giáo dục và phương tiện đưa đón học sinh phải có bản ký kết hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Vậy nhưng, sau gần 3 năm thực hiên, Sở Giáo dục-Đào tạo vẫn chưa có con số cụ thể về cả lượng và chất của mô hình xe đưa đón học sinh. Có thể nói, mô hình này vẫn đang bị “thả nổi”, chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra điều hành và quản lý. Mọi hoạt động đưa đón đều phó thác cho các đơn vị trường và chủ xe. Ông Nguyễn Hữu Nguyên- Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: “Hiện nay, chưa có một quy định cụ thể nào về loại phương tiện này, xe hợp đồng cũng không phải mà xe ô tô buýt thì càng không. Đến giờ chúng tôi cũng không thống kê được số liệu cụ thể về loại phương tiện đưa đón học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Bởi lẽ, các cơ sở giáo dục có nhu cầu thì tự thuê và trực tiếp quản lý”. Ông Nguyên cũng cho biết thêm, trong suốt thời gian hoạt động, phương tiện này chưa để xảy ra sự cố nghiêm trọng phải đến mức báo động.
Thực tế cho thấy, xe ô tô đưa đón học sinh là một loại hình tiện ích và cần thiết. Những hiệu quả mà mô hình này mang lại cũng bước đầu được nhiều người ghi nhận và đánh giá cao. Nếu được điều hành và quản lý tốt hơn nữa thì phương tiện này sẽ củng cố và tăng thêm niềm tin cũng như sự an tâm nơi các bậc phụ huynh. Từ đó, thu hút được nhiều học sinh tham gia, góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Trần Dung - Hồng Thi